Mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Đà Nẵng sẽ phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm. Cơ cấu kinh tế: ngành dịch vụ 67-68%, công nghiệp và xây dựng 31-32%, nông nghiệp 1%.
Dự báo dân số khoảng 2,5 triệu người, trong đó dự báo dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,5 triệu người. Tỷ lệ việc làm tăng thêm đạt 5-5,5%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% vào năm 2030.
Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 100%, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 80%, tỷ lệ cây xanh đô thị 6-8m2/người; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Độ che phủ rừng đạt khoảng 45%.
Quy hoạch đề ra định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, nông nghiệp, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các vấn đề xã hội. Trong đó, về dịch vụ, Đà Nẵng sẽ phát triển dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; bao gồm việc nghiên cứu quy hoạch đầu tư xây dựng Vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc tạo điểm nhấn cho thành phố Đà Nẵng; phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.
Các nhóm sản phẩm du lịch chính: du lịch biển với các mô hình nghỉ dưỡng đa dạng; du lịch MICE thúc đẩy bởi việc tổ chức sự kiện quốc tế và môi trường kinh doanh có năng lực cạnh tranh cao và du lịch sinh thái, tìm hiểm lịch sử, văn hóa vùng; loại hình dịch vụ vui chơi giải trí có hoạt động cá cược theo quy định.
4 trọng tâm đầu tư du lịch chính: 1- Sơn Trà thành khu du lịch sinh thái cao cấp; gắn kết du lịch với bảo tồn thiên nhiên, sự đa dạng sinh học; 2- Vịnh Đà Nẵng thành "đô thị biển" mang tính chất độc đáo, tạo nên điểm nhấn về kiến trúc và dịch vụ; 3- Khu trung tâm thành phố (downtown), phố mua sắm và nhà hàng truyền thống; 4- Các dự án vui chơi, giải trí, điểm du lịch ngoại vi và liên kết vùng.
Duy trì phát triển hài hòa các hoạt động thương mại, tài chính - ngân hàng, kinh doanh bất động sản, thông tin và truyền thông đáp ứng nhu cầu đa dạng trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm phục vụ du lịch.
Với nhóm thành thương mại, sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trên 8% trong giai đoạn đến năm 2020 và được đẩy nhanh hơn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 8,4 - 11%; chiến tỷ trọng trong GRDP của thành phố khoảng 12,9% vào năm 2020 và 15,4% vào năm 2030.
Về công nghiệp - xây dựng, Đà Nẵng sẽ chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, không để xung đột các mục tiêu giữa phát triển công nghiệp và du lịch. Thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, tập trung phát triển các dự án công nghiệp sạch, phù hợp với thế mạnh của thành phố. Đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái; chú trọng phân khu chức năng để tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết ngành, hướng tới gia nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, có cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia thuộc top 500 của thế giới. Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh; tạo lập cơ chế cho sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên hơn giữa doanh nghiệp kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Trong nông nghiệp, Đà Nẵng sẽ hình thành các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để tạo ra các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Tập trung quản lý, bảo vệ diện tích 3 loại rừng, triển khai thực hiện đúng quy định về chính sách trồng rừng thay thế và phát triển trồng rừng kinh tế...
Dự kiến trong giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 2,2%, chiếm khoảng 1% trong cơ cấu GRDP của Đà Nẵng vào năm 2030.