Chiều ngày 28/3, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho hay, lãnh đạo UBND thành phố đã có ý kiến thống nhất với đề xuất của Sở Du lịch về việc tạm dừng các hoạt động liên quan đến tắm biển tại các bãi tắm biển công cộng, khu nhà tắm nước ngọt, bãi trông giữ xe ven biển.
Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Sở Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khẩn trương triển khai chủ trương nêu trên đến các đơn vị, cá nhân liên quan và tuyên truyền cho người dân, du khách thực hiện nghiêm túc.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2019 Đà Nẵng đón 8,7 triệu lượng khách tham quan, du lịch. Tổng thu từ du lịch năm 2019 đạt hơn 30.000 tỉ đồng. Trong đó du lịch Đà Nẵng gắn liền với hoạt động liên quan đến các bãi biển nổi tiếng của Đà Nẵng.
Du lịch biển là thế mạnh và là thương hiệu gắn liền với Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên
Trước khi có yêu cầu tạm dừng các hoat động tắm biển tại các bãi tắm biển công cộng, khu nhà tắm nước ngọt, bãi trông giữ xe ven biển nêu trên, ngành kinh tế của Đà Nẵng đã bị thiệt hại nặng nề. Theo số liệu UBND TP. Đà Nẵng cung cấp, tình hình sản xuất kinh doanh của thành phố quý I/2020 chịu sự tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19. Một số doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh do Trung Quốc - quốc gia được xem là công xưởng và cũng là thị trường tiêu thụ lớn của thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ kéo theo sự khó khăn của các doanh nghiệp trong các ngành khác, kể cả các doanh nghiệp không xuất nhập khẩu trực tiếp với Trung Quốc.
Cụ thể, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tháng 2/2020 ước giảm 46,6% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế ước giảm 41,7%, khách nội địa ước giảm 51,5%, doanh thu lưu trú ước giảm 35,6%....Thị trường khách Trung Quốc và Hàn Quốc tháng 3 ước giảm 100%, các thị trường trọng điểm tiềm năng khác như: Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Châu Âu và thị trường nội địa cũng giảm sâu đến 50-60%...
Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho hay, tình trạng khách hủy đoàn, hủy phòng, hủy dịch vụ khiến doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại nặng. Các doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng, cắt giảm hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí... Thậm chí, một số đơn vị phải tạm dừng hoạt động, nhiều đơn vị đang vay vốn ngân hàng để kinh doanh, nếu thua lỗ kéo dài có thể khiến đơn vị ngừng hoạt động.