5 năm trước, khi hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam dần vượt qua giai đoạn chông chênh 2010-2015, một số thành viên bắt đầu tăng tốc trở lại, câu chuyện vị trí số 1 hệ thống được chú ý.
Khi đó, tại hội nghị triển khai kế hoạch năm, thông điệp đưa ra từ một số ngân hàng hàng đầu hệ thống là mục tiêu hiện thực hóa vị trí số 1.
Như tại hội nghị tổng kết năm 2016, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank khi đó nêu mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, cũng như nêu quyết tâm năm 2017 sẽ xử lý sạch nợ xấu.
Trước nữa, từ năm 2014, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khi đó kỳ vọng Vietcombank sẽ sớm khẳng định vị trí số 1 tại Việt Nam, cũng như lọt các top quan trọng của khu vực và thế giới…
Quãng thời gian đó, vị trí số 1 hệ thống ngân hàng Việt Nam là cuộc đua song mã giữa VietinBank và Vietcombank.
Đến nay, vị trí số 1 này dường như đã ngã ngũ, qua kết quả kinh doanh năm 2018 và tiếp tục "kiểm định" qua năm 2019.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2020 vừa qua, Vietcombank đưa ra thông điệp: "Trong giai đoạn phát triển mới, Vietcombank đã đề ra tầm nhìn và mục tiêu chiến lược đến năm 2025 giữ vững vị trí là ngân hàng số 1 Việt Nam; trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á; một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam".
Thông điệp trên gián tiếp khẳng định vị trí số 1 đã thuộc về họ, và mục tiêu là tiếp tục giữ vững.
Tại Việt Nam, vẫn có thói quen so sánh đơn thuần lợi nhuận theo con số tuyệt đối giữa các ngân hàng thương mại, hoặc xếp nhóm "câu lạc bộ" quy mô lợi nhuận mức độ nào đó một cách có phần cảm tính.
Ví như, 1 thành viên có quy mô vốn khoảng 30.000 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 500.000 tỷ đồng, lợi nhuận 10.000 tỷ đồng vẫn được đem "so sánh tương đồng" với 1 thành viên khác có quy mô vốn tới 50.000 tỷ đồng, tổng tài sản lên tới 1,4 triệu tỷ đồng và cũng có 10.000 tỷ lợi nhuận.
Nếu theo thói quen đó, với hơn 23.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2019, Vietcombank tiếp tục khẳng định vị trí số 1, tạo khoảng cách rất xa so với những so sánh đơn thuần về quy mô lợi nhuận tất cả các thành viên còn lại.
Và nếu theo so sánh trên, cuộc đua từng đặt ra những năm trước giữa Vietcombank với VietinBank trở nên quá chênh lệch.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, nhiều bảng xếp hạng trên thế giới thiên về so sánh quy mô tổng tài sản, mà không đề cao chỉ tiêu lợi nhuận, vì quy mô tổng tài sản phản ánh thị phần và ảnh hưởng trên thị trường.
Vậy nên, vị trí số 1 chỉ mang tính tương đối, hoặc xét theo các tiêu chí khác nhau.
Tại Việt Nam, nếu mở rộng các tiêu chí, Vietcombank đang khẳng định vị trí số 1 khá toàn diện với nhiều tiêu chí: quy mô lợi nhuận lớn nhất, vốn hóa thị trường lớn nhất, thu nhập bình quân cán bộ nhân viên và sức tạo lãi bình quân của họ cao nhất, tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu cao nhất, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt nhất và sát thực nhất… Riêng tiêu chí quy mô tổng tài sản còn thấp hơn một chút so với BIDV, VietinBank và Agribank (hơn 1,2 triệu tỷ đồng so với trên 1,4 triệu tỷ đồng).
Còn nếu xét theo các chỉ số cơ bản phản ánh hiệu quả hoạt động, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam lại đang nổi lên những thành viên đến từ khối cổ phần - những thành viên thấp hơn nhiều về quy mô tổng tài sản, cũng như chưa đạt tương đồng về quy mô vốn chủ sở hữu.
Cụ thể như theo hiệu quả sinh lời trên tổng tài sản (ROA), trên vốn chủ sở hữu (ROE), thì hiện có những ứng viên khối cổ phần có thể cạnh tranh với Vietcombank như Techcombank, VPBank, HDBank, MB…, với báo cáo tài chính theo lộ trình công bố cuối tháng này.
Cũng chính khối cổ phần lại đang cho thấy sự vượt trội ngày một rõ hơn: dù quy mô vốn thấp hơn, quy mô tổng tài sản thậm chí chưa bằng phân nửa, nhưng nếu so sánh theo thói quen nói trên thì lợi nhuận ngay từ năm 2018, dự kiến tiếp tục trong 2019, đã thực sự phả hơi nóng đối với những "ông lớn" như BIDV và VietinBank.