Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Trường phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TP.HCM), trong thời gian qua tình hình cháy nổ ở TP.HCM diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong năm 2017, TP.HCM đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.
Trên toàn TP.HCM hiện có hơn 1.500 chung cư cao tầng. Nhưng, đã có hơn 470 chung cư được xây dựng trước năm 1975, đa phần đều không có hệ thống PCCC. Số còn lại xây gần đây thì vẫn còn đến một nửa chưa có ban quản trị.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc phụ trách Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM thống kê, TP.HCM có 406 chung cư trên 10 tầng, 500 chung cư dưới 10 tầng, gần 391 nhà cao tầng. Những vụ cháy xảy ra trong thời gian qua là do câu mắc điện không an toàn.
"Nhà chung cư chiếm 8,4% nhà ở tại TP.HCM. Chung cư phát triển mới ngày càng tăng cao, chiếm 24,6% nhà xây mới. So với 5 năm trước, số lượng chung cư trên địa bàn thành phố đã tăng mạnh gần 15%" Đây là nhu cầu tất yếu của quá trình đô thị hoá", ông Hải phát biểu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành thì việc mua bảo hiểm cháy nổ là bắt buộc đối với chung cư (CC) từ năm 2003. Chẳng hạn, về việc bảo hiểm cháy nổ cho tòa nhà, ngoài quy định tại luật Nhà ở, hệ thống pháp luật về bảo hiểm cũng có quy định rất rõ. Trong quá trình xây dựng công trình tòa nhà, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm. Còn khi đã hoàn thiện, bàn giao, cư dân sẽ có trách nhiệm mua bảo hiểm cho căn hộ mình ở.
Quy định là như vậy, nhưng thực tế hầu như không mấy ai quan tâm để thực hiện, thậm chí nhiều người dân sống ở CC không hề biết họ phải mua bảo hiểm cháy nổ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, đại diện cư dân CC Carina Plaza, cho biết hầu hết các hộ dân tại đây đều không biết quy định về bảo hiểm cháy nổ.
Tại hội thảo, một số chủ đầu tư địa ốc cũng cho rằng ngay sau khi thảm họa Carina xảy ra, do tâm lý chung nên thị trường căn hộ trong thời gian tới chắc chắn sẽ bị tác động, nhưng không đến mức chững lại. Qua sự việc này, nhiều chủ đầu tư sẽ tăng kinh phí trang bị hệ thống PCCC một cách hiệu quả cho các dự án mà mình đang phát triển, trang bị kiến thức cho mỗi người dân để ngăn chặn các vụ cháy nổ ngay trong cuộc sống.
Chẳng hạn, một đại diện của tập đoàn Novaland cho biết, với từng dự án, trước khi thi công, chủ đầu tư luôn xây dựng hồ sơ hệ thống PCCC đáp ứng đầy đủ quy định hiện hành của Nhà nước; đồng thời tham chiếu các bộ tiêu chuẩn PCCC nước ngoài như: NFPA (Mỹ), BS (Anh), AS (Australia). Hồ sơ PCCC của Novaland trước khi thi công đều được thiết kế bởi các công ty tư vấn chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm về hệ thống PCCC và được thẩm duyệt bởi Cục/Sở Cảnh sát PCCC.
Sau khi kết thúc quá trình thi công, Novaland phối hợp với Cảnh sát PCCC kiểm tra, nghiệm thu và chứng nhận hệ thống hoạt động tốt. Khi bàn giao hệ thống PCCC cho đơn vị quản lý tòa nhà, Novaland cung cấp đầy đủ các hồ sơ cần thiết, hướng dẫn vận hành và huấn luyện nhân viên quản lý/bảo trì tòa nhà.
Còn ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết: "Thảm họa Carina là lời cảnh báo cho toàn thị trường, do vậy các chủ đầu tư phải tự lấy lại niềm tin cho mỗi khách hàng, bởi vì chỉ có khách hàng cọn mình chứ mình không chọn được khách hàng". Do vậy, doanh nghiệp này vừa chi hơn 3 tỷ đồng tăng bình chữa cháy cho mỗi căn hộ tại các dự án do Hưng Thịnh Corp. đầu tư, kèm theo đó là các tài liệu nâng cao kiến thức, ý thức PCCC. Song song đó, công ty cũng vừa tặng 1 triệu USD cho TP.HCM để trang bị hệ thống PCCC trên toàn địa bàn.
Ông Hải thông tin thêm, từ nay đến tháng 9/2018 thành phố sẽ tiến hành tổng rà soát, đánh giá điều kiện an toàn PCCC các chung cư, nhà cao tầng. Trong thời gian vừa qua, tình hình cháy, nổ trong cả nước nói chung, trên địa bàn TPHCM nói riêng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Nguyên nhân dẫn đến cháy lớn chủ yếu do chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCC; cư dân sống trong chung cư chưa tích cực tham gia thường xuyên các buổi tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các quận-huyện trong việc đảm bảo an toàn về PCCC còn nhiều bất cập.
Theo đó, Cảnh sát PCCC sẽ tổng kiểm tra, rà soát phân loại đánh giá điều kiện an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố. Các chung cư, nhà cao tầng được phân loại A, B,C,D về an toàn PCCC để có hướng khắc phục.
Đồng thời, công tác thanh kiểm tra an toàn PCCC được tăng cường. Các chung cư, nhà cao tầng được kiểm tra định kỳ 4 lần/năm. Chung cư cao tầng chưa nghiệm thu an toàn PCCC nếu không sớm khắc phục sẽ bị cưỡng chế theo quy định.
Trong đó, kế hoạch này có các nội dung: đề cao khả năng phát hiện sớm nguy cơ cháy nổ và khả năng tự phòng chống cháy nổ trong các khu nhà cao tầng; tăng cường ý thức tự quản, tự giác tham gia vào các hoạt động phòng chống cháy nổ của dân cư nhà cao tầng; trách nhiệm của chủ đầu tư và vai trò của ban quản trị khu chung cư; việc xây dựng hệ thống cảnh báo và chữa cháy thông minh tại các khu chung cư và kết nối với trung tâm cảnh báo cháy sớm của Cảnh sát PCCC TP.HCM...