Sáng nay ngày 22/10, kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV chính thức khai mạc. Kỳ họp sẽ làm việc trong 24 ngày, dự kiến bế mạc vào 21/11.
Phát biểu trước Quốc hội tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt "tăng cường kỷ luật kỷ cương; xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, phục vụ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi".
Thủ tướng cho biết Chính phủ luôn kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Trước những biến động phức tạp của tình hình trong nước, thế giới, nhất là chiến tranh thương mại, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, chúng ta đã theo dõi sát chủ động có đối sách phù hợp, có chính sách thích ứng tạo môi trường vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế xã hội.
Kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4% .
CPI bình quân năm 2016 là 2,66%; năm 2017 là 3,53% và năm 2018 ước dưới 4%. Chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 là dưới 4%.
Tổng dư nợ tín dụng năm 2018 ước tăng dưới 17%. Cơ cấu tín dụng dịch chuyển tích cực, tập trung vào sản xuất kinh doanh, chiếm 78,4% tổng tín dụng (năm 2016 là 77,8%), giảm dần vào lĩnh vực bất động sản, chỉ còn 15,8% (năm 2016 là 17,1%). Kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào bất động sản, chứng khoán. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt, dự trữ ngoại hối lập kỷ lục trên 60 tỷ USD.
Quy mô thị trường chứng khoán đến nay đạt khoảng 113% GDP. Chỉ số VN Index đang ở mức trên dưới 1.000 điểm. Vào cuối tháng 9/2018, Việt Nam được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã xây dựng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá và đề ra định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Ban hành và triển khai thực hiện hiệu quảĐề án cơ cấu lại đầu tư công, giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách; rà soát, xử lý những vướng mắc trong đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Quyết liệt thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật các tổ chức tín dụng; đã phê duyệt phương án cơ cấu lại 51 tổ chức tín dụng và tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện; tỷ lệ nợ xấu giảm còn khoảng 2%.
Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 6 năm 2018 tỷ lệ nợ xấu là 2,09%, giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 12,27%, cao hơn mức tối thiểu theo quy định là 9%.