Lướt sóng bất động sản nhà đầu tư bị “mắc kẹt”
Xưa tới nay, bất động sản vẫn luôn được cho là kênh đầu tư an toàn, với khả năng sinh lợi nhuận cao. Thời gian qua, đất nền đã mang về cho nhiều nhà đầu tư từ chuyên nghiệp đến tay mơ lợi nhuận cao. Theo đó, nhiều người vẫn luôn tin rằng, bỏ tiền vào bất động sản là có tiền tỷ. Suy nghĩ này cũng là một phần nguyên nhân khiến giá đất nền trong những năm qua đã “nóng” lại trở nên “nóng” hơn.
Mục đích tham gia vào thị trường nhà đất rất đa dạng, người mua để xây nhà ở, người mua để đầu tư, "lướt sóng", người mua để giữ tiền… Nhưng người mua thực rất ít chủ yếu là đầu cơ. Vì vậy, mà thời gian qua nhiều người kinh doanh các lĩnh vực khác cũng dịch chuyển dòng tiền sang lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều, đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào tham gia cũng có thể nhận được khoản lãi từ đầu tư vào bất động sản. Hơn nữa, trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tăng cao cộng hưởng với những chính sách mới đây của Nhà nước về quản lý bất động sản, kiểm soát tín dụng ngân hàng vào bất động sản, phân khúc đất nền sẽ không còn “dễ xơi” như trước.
Anh Hà Hùng, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, đã có những thời điểm, anh “lướt sóng” đất tại vùng ven cũng kiếm vài trăm triệu đồng mỗi giao dịch, chỉ trong thời gian vài ngày hoặc 1 tuần.
Tuy nhiên, cũng không ít lần anh thất bại trên chính sân chơi mà anh tưởng như đã quen thuộc. "Cũng vì chạy theo tâm lý đám đông mà tôi đã bị mắc cạn trong nhà đất. Giữa năm 2021, một người bạn rủ tôi chung vốn mua một mảnh đất gần 200m2 tại Sơn Tây với giá 15 triệu đồng/m2, tuy nhiên rao bán đầu năm 2022 vẫn chưa được. Trong khi đó, theo môi giới giá khu này đã lên 20 triệu đồng/m2 nhưng thật ra khi khách hỏi cũng không chốt mua", anh Hùng nêu một thương vụ gần đây.
Nhiều môi giới bất động sản cũng xác nhận, mua theo tin đồn hay mua lướt sóng là phải chấp nhận "xanh chín" bởi lợi nhuận lớn, nhanh chóng luôn đi kèm với rủi ro cao. Nếu kịp đuổi theo con sóng thì có thể thoát được hàng, còn không theo kịp thì nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể bị “kẹt” với khoản đầu tư của mình.
Anh Vũ Tùng, chủ một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, thời gian qua nhiều nhà đầu tư đổ xô về ôm đất các tỉnh lẻ như ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam, Bắc Ninh, Hòa Bình... Có những nơi, đến chỉ thấy toàn cây cỏ hoang sơ, lác đác được vài ngôi nhà, đường xá thì chưa được mở rộng... mà vẫn có nhiều nhà đầu tư xuống tiền với niềm tin sẽ sớm xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành khu du lịch, hay mua đất để làm second home...
Anh Tùng chia sẻ thêm: "Để bất động sản có lời hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố về pháp lý, hạ tầng, các tiện ích xung quanh khu vực... chứ không nên tư tưởng cứ mua đất là có lời. Đã gọi là đầu tư thì sẽ có người lãi, người lỗ, người hòa vốn. Đôi khi có những người lãi 1 nhưng khoe lãi lên gấp 2 - 5 lần, còn lỗ thì hiển nhiên họ chẳng bao giờ nhắc đến. Do đó, những nhà đầu tư luôn phải tìm hiểu kỹ bất động sản mình định mua, cẩn trọng trước khi xuống tiền. Đã không ít người thời gian gần đây mắc kẹt trong bất động sản vì không thanh khoản được".
Hết thời cứ bỏ tiền vào bất động sản là lãi lớn
Các chuyên gia bất động sản đánh giá, đầu tư đất nền 2022 sẽ không dễ dàng lãi lớn như các năm về trước. Bởi lẽ, các đợt sốt giá đất sẽ được kiểm soát gắt gao ngay từ đầu, tránh để tình trạng sang tay ăn chênh lệch tới hàng tỷ đồng trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, việc nhiều tỉnh, thành vào cuộc “siết” phân lô bán nền hay siết chặt việc khai thuế chuyển nhượng bất động sản, kiểm soát tín dụng bất động… tác động không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã kỳ vọng quá lớn khi xuống tiền, nên dù thị trường chững lại cũng không muốn bán rẻ, khi thị trường rơi vào tình trạng lao dốc có khả năng sẽ lỗ nặng.
Nói về đầu tư "lướt sóng" bất động sản, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, thời của nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để lướt sóng đã cạn, thị trường đang chuyển từ trạng thái đầu tư trung hạn sang dài hạn và triệt tiêu các cơ hội mua bán trong ngắn hạn, góp phần loại bỏ nhóm nhà đầu tư "lướt sóng".
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sốt đất là do khi có đầu tư, phát triển thì giá đất tăng lên khá nhanh, làm tổng giá trị đất đai tăng thêm, có thể làm đổi đời những người có đất.
“Những người có tiền muốn tham gia để có tiền nhiều hơn trong khi rất thiếu chuyên nghiệp, hay bị tác động của hiệu ứng đám đông, tức là chỉ vì khát vọng của lòng tham mà không đủ luận cứ”, ông Võ nói.
Bên cạnh đó, giới đầu cơ thành thạo hơn kích động lòng tham để kiếm lời từ tham gia cò mồi, dẫn mối, thậm chí cả "lướt sóng" giai đoạn đầu. Chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa đưa ra giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng tiêu cực này.
Ông Võ nói thêm: "Hệ lụy của những cơn sốt đất nhìn rất rõ, đó là làm cho thị trường lộn xộn. Một nhóm những người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy thì hưởng lợi, "mua tranh bán cướp" rồi hưởng một số lãi không nhỏ. Độ rủi ro quá lớn, đầu tư vào đất đai để kiếm lợi mà cứ như tham gia vào một canh bạc "sinh tử". Từ đó dẫn tới thị trường không ổn định, cuối cùng tình trạng diễn ra là “kẻ khóc, người cười".
Nhìn nhận về thị trường bất động sản thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá: “Giá bất động sản liên tục tăng, trong đó nhà ở đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân.
Giá bất động sản một số khu vực, một số phân khúc đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay. Từ đó, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi”.
Tuy nhiên, nghịch lý xuất hiện khi giá đất tại nhiều nơi do đầu cơ thổi giá liên tục leo thang, bỏ qua rất xa khả năng chi trả của đại đa số người có nhu cầu thực. Theo đó, xảy ra hiện tượng “lãi ảo”, giá tăng chỉ là truyền miệng còn thực tế giao dịch lại rất ít.