Theo khảo sát, thu thập dữ liệu biến động giá bán một số loại bất động sản trong tháng 3/2022 và quý I/2022 tại 8 địa phương (gồm Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu) của Bộ Xây dựng.
Cơ quan này cho biết, một số loại hình bất động sản tại các địa phương này trong tháng 3 tăng giá khá cao so với tháng trước. Đơn cử, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại TP. HCM, giá căn hộ chung cư tăng 2,48%, nhà riêng lẻ và đất nền cũng đắt hơn lần lượt 2% và 3,6%.
Bên cạnh đó, giá bất động sản cho thuê tại Hà Nội và TP. HCM tăng nhẹ so với tháng 2. Riêng giá căn hộ chung cư cho thuê tại Đà Nẵng có mức giá tăng tương đối tốt so với tháng trước.
Báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản cùng chỉ ra xu hướng giá nhà tăng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Đơn cử tại Hà Nội, CBRE cho biết giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý I tăng 13% theo năm và 4% theo quý. Còn trên thị trường thứ cấp, giá bán nhà tăng 9% so với cùng kỳ 2021. Ở TP. HCM, báo cáo của Cushman & Wakefield cho biết, giá bán căn hộ tăng gần 30%.
Nguyên nhân giá nhà leo thang theo các tổ chức này đến từ khan hiếm nguồn cung, giá đất, chi phí vật liệu tăng, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý kéo dài...
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng thông tin về xu hướng tăng giá của một số loại vật liệu xây dựng cơ bản.
Với xi măng, trong quý I/2022, giá hàng hoá này ghi nhận là 30.000-50.000 đồng một tấn so với quý IV năm ngoái, tức tăng 1-3%. Nếu so với cùng kỳ 2021, giá đã tăng 11-15%.
Với cát, đất đắp, đá xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong các tháng đầu năm, giá cả không biến động nhiều. Nếu có, chủ yếu là do các công trình xây dựng đặc biệt như các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 chuẩn bị khởi công và các công trình khác đang tái khởi động sau Covid-19. Giá đất đắp trung bình tại các mỏ là 35.000-40.000 đồng một m3, giá cát trung bình đến công trình là 337.000 đồng một m3, giá đá là 224.000 đồng một m3.
Với thép xây dựng, trước ảnh hưởng từ thị trường thế giới và xu thế tăng của các nguyên liệu đầu vào, giá quý I cũng có xu hướng tăng mạnh. Tính đến giữa tháng 3, giá thép đã tăng 3,5% so với tháng 2 và tăng 7,5% so với tháng 1. Đến nay, giá nguyên liệu này chưa có dấu hiệu giảm xuống.
Giá thép xây dựng các loại hiện khoảng 18.600 - 20.600 đồng một kg. Trung bình quý I, giá tăng 3,5% so với quý IV/2021.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, xung đột Nga - Ukraine dù ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam nhưng không nhiều vì quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và hai quốc gia này chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có những ảnh hưởng gián tiếp khi giá xăng dầu tăng mạnh, các lệnh cấm vận được ban hành với Nga cũng gây nên sự khan hiếm hàng hóa và tạo thêm áp lực lạm phát, dẫn tới giá các loại nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, vận chuyển... - vốn là yếu tố đầu vào của thị trường bất động sản cũng tăng theo; trong đó, giá thuê và giá mua bất động sản đều sẽ phải điều chỉnh và chịu áp lực tăng giá.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng quan ngại nếu lạm phát vượt mức mục tiêu, lãi suất cho vay tăng lên có thể gây tác động ngược, thị trường bất động sản có thể rơi vào tình trạng trầm lắng nhưng mức giá sẽ không giảm mạnh như giai đoạn 2011-2013 do sự điều tiết nhịp nhàng, ổn định hơn của Chính phủ, doanh nghiệp bất động sản cũng như người mua nhà sẽ chịu nhiều khó khăn và rủi ro khi tỷ trọng vốn vay cho đầu tư bất động sản là khá lớn.
Kết quả khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản của Vietnam Report về mức biến động giá trung bình trong năm 2022 cho thấy đất nền là phân khúc có khả năng tăng giá cao nhất; phân khúc đất nền, đất nông nghiệp, nhà ở và chung cư giá rẻ có khả năng cao tăng giá trong khoảng 11-20%. Các phân khúc bất động sản ven đô, bất động sản công nghiệp, nhà ở và chung cư trung cấp, văn phòng cho thuê có thể tăng trung bình từ 5-10% so với năm trước.
Trước tình trạng sốt đất trong năm 2021, các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report nhận định trong năm 2022, tình trạng sốt đất vẫn có thể sẽ tiếp tục xảy ra nhưng với xác suất thấp hơn.
Nguyên do là hiện tại các thông tin về quy hoạch, hạ tầng vẫn mang nặng tính đồn đoán và việc thổi giá bất động sản bằng các chiêu thức thiếu lành mạnh vẫn chưa có chế tài xử phạt. Tuy nhiên, sốt đất không chỉ do những nguyên nhân nói trên, nó có thể là kết quả của những chính sách vĩ mô, quy hoạch tổng thể chính thức từ chính quyền,...