Kết thúc phiên giao dịch 25/2, chỉ số VN-Index dừng tại 994,43 điểm và lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong năm 2018 chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm.
Mặc dù có ý kiến cho rằng thị trường hiện đang ở vùng quá mua, tuy nhiên theo đánh giá của CTCK MBS, nếu nhìn sang thị trường các nước trong khu vực thì mức tăng như trên của VN-Index là khá bình thường, càng không phải trường hợp cá biệt, thậm chí còn khiêm tốn nếu so với thị trường Mỹ khi chỉ số S&P500 đang hướng đến đỉnh cao mọi thời đại.
Bên cạnh đó, mức tăng của thị trường chỉ tập trung ở các cổ phiếu trụ trong khi phần lớn mặt bằng cổ phiếu tăng chưa đáng kể, ngay cả nhóm Midcap tuần vừa qua cũng chỉ tăng rất nhẹ 0,4% thậm chí nhóm Smallcap còn giảm 1%. Do vậy MBS đánh giá chỉ số kỹ thuật chưa phản ánh đúng bản chất thị trường, chỉ số chung được neo giữ và đẩy lên nhờ sự luân phiên của các trụ nên nhà đầu tư rất dễ bị ảo giác nếu đánh giá thị trường qua chỉ số chung.
Thanh khoản tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 4;5 tháng một phần nhờ khối ngoại tăng cường giải ngân thông qua các quỹ ETF nội và ngoại. Tuần qua thị trường đã chứng kiến 2 quỹ ETF bắt đầu giải ngân là: KIM KINDEX Vietnam và Xtrackers FTSE Vietnam. Dòng tiền lớn đã được kích hoạt, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường, triển vọng kinh tế vĩ mô vẫn đang là động lực khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh hơn.
Lúc này ở bên ngoài, tình hình đang có triển vọng hơn. Rạng sáng 25/2 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ D.Trump đã ra quyết định tạm hoãn việc tăng thuế nhập khẩu lên các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc được dự tính ban hành vào ngày 1/3/2019. Thông tin này đã giúp các thị trường chứng khoán lớn như Mỹ, Trung Quốc bật tăng mạnh và trở lại xu hướng tăng điểm (bull market).
VN-Index có cơ hội leo lên vùng 1.024 – 1.034 điểm
Về kỹ thuật, MBS cho rằng chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng trung bình 200 ngày, một ngưỡng kỹ thuật then chốt thường được theo dõi. Do vậy, về xu hướng rõ ràng thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn. Với quan điểm dài hạn, các mốc cản ở vùng đỉnh tháng 10 chỉ là nhỏ và thứ yếu vì một xu thế tăng dài hạn mới đang diễn ra, những lo ngại về các rung lắc mạnh hơn có thể có ở khu vực lân cận vẫn không có đủ lý do để thay đổi đánh giá về xu hướng tăng của thị trường tính đến hiện tại.
Trong ngắn hạn, cụ thể là trong tuần này thị trường sẽ có cơ hội điều chỉnh trong vùng 1.024 – 1.034 điểm, vùng có mặt của một số ngưỡng kỹ thuật quan trọng. Tuy vậy, MBS đánh giá nếu có điều chỉnh thì cũng không đáng ngại vì đó cũng là tâm lý chờ đợi chung của phần đông nhà đầu tư. Bên cạnh đó, càng lên cao thì sự đồng thuận cũng yếu đi, thị trường cũng cần hạ nhiệt để dòng tiền đến muộn có cơ hội mua mới.
MBS đánh giá câu chuyện lớn của chứng khoán Việt Nam lúc này là nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đây có lẽ là cú huých tích cực nhất đối với thị trường trên cơ sở các thay đổi chính sách cụ thể như: (i) Hoàn thành dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi; (ii) Thành lập một Sở giao dịch chứng khoán duy nhất tại Việt Nam; (iii) Thay đổi hoàn toàn nền tảng Công nghệ thông tin của Thị trường chứng khoán Việt Nam; (iv) Thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ cho mục tiêu nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi…
Rõ ràng với những tín hiệu này, các cổ phiếu đầu ngành liên quan đến xuất khẩu, Cảng biển, BĐS và BĐS khu công nghiệp, Logistic có thể được hưởng lợi từ các sự kiện chính trị, kinh tế đặc biệt quan trọng này.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cơ hội nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực
Sự kiện đáng chú ý cho cả kinh tế và Chính trị trong tuần này là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Theo MBS, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong Un sẽ là một cơ hội cho Việt Nam nâng cao hình ảnh của mình trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã tổ chức thành công các hội nghị thượng đỉnh quốc tế trong một vài năm gần đây như APEC năm 2017, sự kiện giúp quảng bá hình ảnh đất nước hòa bình với nền kinh tế mở cửa, môi trường kinh doanh công bằng thân thiện của Việt Nam.
Sau những sự kiện kinh tế lớn này, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm mạnh phản ánh sự lạc quan của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế và các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội có thể sẽ không có tác động lớn tới nền kinh tế và thị trường như sự kiện APEC, tuy nhiên chắc chắn vẫn sẽ có những tác động tích cực.
Thứ nhất, đối với tất cả những người theo dõi sự kiện, bao gồm cả những nhà đầu tư quốc tế sẽ nhận thấy Việt Nam là một điểm đến an toàn với vị trí chiến lược không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà trong cả châu Á nói chung. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung khiến một bộ phận dòng vốn đứng giữa ngã ba đường tìm kiếm bến đỗ đầu tư an toàn.
Thứ hai, chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ đặt chân tới Việt Nam trước khi hội nghị bắt đầu và đến thăm một số doanh nghiệp Việt Nam nhằm học hỏi một số bài học cải cách, mô hình phát triển kinh tế đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia ổn định, tăng trưởng kinh tế tốt như hiện nay. Đây sẽ là hình ảnh đẹp trong bức tranh quan hệ ngoại giao, chính trị của Việt Nam, tạo nền tảng cho những cơ hội phát triển kinh tế bền vững sau này.