Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Fitch) vừa giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ Tích cực sang Ổn định.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, việc Fitch xác nhận giữ nguyên bậc tín nhiệm quốc gia ở mức BB phản ánh nhận định các điểm sáng về tín dụng của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm tiềm năng phát triển vững chắc trong trung hạn, môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Gánh nặng nợ Chính phủ được kiểm soát ở mức thấp và khả năng tiếp cận nguồn tài chính đối ngoại thuận lợi hơn so với các quốc gia cùng nhóm xếp hạng.
. (Ảnh minh họa)
Đà tăng trưởng của Việt Nam sớm quay trở lại
Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, cơ sở Fitch điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh đánh giá của tổ chức này về tác động ngày càng lan rộng của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tín dụng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, thông qua các kênh xuất khẩu, du lịch và sự giảm sút của tổng cầu.
Fitch cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã tận dụng điều kiện kinh tế thuận lợi trong những năm qua để củng cố tình hình tài khóa và tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tăng mức đệm dự phòng trước những rủi ro vĩ mô. Tổ chức này cũng dự báo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% do nhu cầu trong nước và nước ngoài dần hồi phục theo xu hướng toàn cầu và khu vực.
Theo đánh giá của ông Trương Hùng Long, việc giữ được triển vọng “Tích cực” thực sự là khó khăn đối với nhiều nước. Trên thực tế, chỉ tính riêng trong quý I/2020, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã hạ bậc tín nhiệm của nhiều quốc gia trên toàn cầu, trong đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Stand & Poor’s đánh giá hạ bậc của 12 nước, Mood’y hạ bậc của 9 nước, Fitch đã hạ bậc của 12 nước. Tại Đông Nam Á, vừa qua Thái Lan đã bị hạ triển vọng từ Tích cực xuống Ổn định. Đối với Fitch, từ 9/3 đến nay đã đánh giá tiêu cực đối với 19 quốc gia trên toàn cầu, với 12 quốc gia bị hạ bậc và 7 quốc gia bị điều chỉnh hạ triển vọng tín nhiệm.
Với việc các cơ quan Chính phủ Việt Nam phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin cho Fitch về tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tiếp diễn, Bộ Tài chính tin rằng Fitch cũng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác sẽ có thông tin đầy đủ để đưa ra nhìn nhận đúng đắn, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam trong tương lai, ông Long nhấn mạnh.
Biện pháp tối ưu để cải thiện hồ sơ tín dụng
Chia sẻ trên VTV, bà Sagarika Chandra - Phó Giám đốc nhóm đánh giá tín nhiệm của Fitch Ratings, Văn phòng tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, Fitch đã phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sau khi xem xét những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với điều kiện tín dụng của Việt Nam, thông qua các kênh xuất khẩu, du lịch và sự giảm sút của nhu cầu trong nước. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này vẫn còn cao hơn một chút so với nhiều nền kinh tế trong khu vực, cũng đang chịu tác động mạnh từ đại dịch.
Việt Nam gần đây đã tung ra một số gói hỗ trợ như gói an sinh xã hội mùa dịch hay các chính sách hoãn, giãn thuế cho doanh nghiệp. Bà Sagarika Chandra nhận định, Việt Nam đang áp dụng một cách tiếp cận dần dần để điều chỉnh và kiểm soát tác động của dịch Covid-19. Những gói hỗ trợ này là kịp thời và phần nào sẽ giúp những đối tượng đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, bà Sagarika Chandra lưu ý, mục tiêu bội chi ngân sách 3,4% GDP cho năm 2020 khó có thể đạt dược khi doanh thu thuế từ các khoản thu nhập và thu từ xuất khẩu đều giảm, trong khi chi tiêu cho y tế và các quỹ hỗ trợ người lao động đều tăng. "Vì vậy, chúng tôi cho rằng thâm hụt ngân sách của Việt Nam và tỷ lệ nợ trên GDP trong năm nay nhiều khả năng sẽ tăng lên", bà Sagarika Chandra nói.
Phó Giám đốc nhóm đánh giá tín nhiệm của Fitch Ratings cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã tận dụng điều kiện kinh tế thuận lợi trong những năm qua để củng cố tình hình tài khóa và tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tăng mức đệm dự phòng trước những rủi ro vĩ mô. "Đây là những biện pháp tối ưu để cải thiện hồ sơ tín dụng. Do vậy, Việt Nam nên tiếp tục những hướng đi như vậy", bà Sagarika Chandra nêu quan điểm./.