Theo báo cáo của Cozyland, trong giai đoạn 2020 - 2022, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, số lượng nhà đầu tư bất động sản lướt sóng đã suy giảm mạnh. Hiện lượng giao dịch lướt sóng từ nhóm này chiếm tỷ trọng 0%.
Lãnh đạo đơn vị này cho biết, nguyên nhân khiến nhóm nhà đầu tư lướt sóng biến mất khỏi thị trường là do thanh khoản của tài sản có dấu hiệu xuống thấp. Khi thời gian mua vào và bán ra ngày càng kéo dài hơn trước gấp nhiều lần, nhóm nhà đầu tư mua nhanh bán vội này không còn sóng để lướt.
“Thị trường đã chuyển từ trạng thái đầu tư trung hạn sang dài hạn và triệt tiêu các cơ hội mua bán trong ngắn hạn cũng góp phần loại bỏ nhóm nhà đầu tư này khỏi thị trường”, lãnh đạo Cozyland.
Theo anh Quang Khánh - chủ sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TP. HCM cho rằng, xu hướng đầu tư lướt sóng tại các dự án được quy hoạch rõ ràng, bài bản đã bị triệt tiêu. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư lướt sóng vẫn rất phát triển ở các khu vực đang là “vùng trũng” của thị trường.
“Hiện nay, giá đất, giá nhà dự án đã tăng rất cao. Có dự án ở khu vực ngoại thành, chủ đầu tư tính giá đất ngang bằng với khu vực nội thành.
Với cách tính như vậy, đầu tư trong ngắn hạn sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận, thậm chí có thể bị lỗ. Do đó, nhà đầu tư chuyển hướng sang đầu tư dài hạn, nằm chờ giá lên”, anh Khánh nói.
Do đó, thay vì lướt sóng tại các dự án, dòng vốn đầu tư đã chuyển sang các khu vực đang có giá đất vẫn còn thấp, như là các huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM), hoặc xa hơn nữa là Long An, hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Không có chuyện nhà đầu tư bất động sản lướt sóng biến mất khỏi thị trường. Chẳng qua họ chuyển dòng vốn từ các dự án có giá đất cao, sang nơi có giá đất thấp để kiếm chác lợi nhuận nhanh chóng”, anh Khánh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, đầu tư lướt sóng bất động sản lúc nào cũng có, dù ở miền Bắc hay miền Nam, có dịch hay không có dịch, thì vẫn luôn tồn tại.
Theo ông Đính, ở một góc độ nào đó, thị trường bất động sản vẫn rất cần dòng vốn từ các nhà đầu tư lướt sóng, họ mang tính hoạt náo viên kích thích thị trường sơ khởi. Nếu không có dòng vốn này, thị trường sẽ tương đối ảm đạm.
Nhóm nhà đầu tư dạng này thường tụ lại rất đông ở thị trường mới khai phá, mới có thông tin quy hoạch, hoặc tại một số khu vực chuẩn bị có dự án lớn đến.
“Gần đây, quá trình đầu tư vào hạ tầng đang rất phát triển, đó là chưa kể rất nhiều dự án FDI lớn chuẩn bị đổ bộ vào thị trường Việt Nam, nên kiểu gì cũng xuất hiện lướt sóng bất động sản. Do đó, tôi khẳng định không có chuyện hết thời, mà phải ngược lại, thị trường sắp có đợt đầu tư lướt sóng mới”, ông Đính nói.
Tuy nhiên, trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, nhất là thời điểm đầu năm 2021, tình trạng lướt sóng bất động sản ồ ạt đã gây ra một số hệ quả nhất định, ông Đính cho rằng, Chính phủ cần có thêm công cụ để kiểm soát dòng vốn đầu tư lướt sóng.
“Như tôi đã nói, các nhà đầu tư bất động sản giống như ngòi nổ, giúp thị trường sôi động lên. Tuy nhiên, vừa qua, việc đầu tư lướt sóng ồ ạt tại các địa phương quản lý yếu kém, đã khiến giá đất nhiều nơi tăng ảo, phi thực tế. Điều này có thể tạo ra bong bóng bất động sản, về lâu dài rất có hại. Vì vậy, cần có thêm công cụ để kiểm soát”, ông Đính nhấn mạnh.