Sớm nhất, vào tháng 2, VinFast công bố dự kiến đầu tư tối thiểu 1,2 tỷ USD vào Indonesia trong dài hạn. Song song với việc phân phối các dòng xe nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn đầu, VinFast sẽ đầu tư 200 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện với sản lượng dự kiến lên đến 50.000 xe/năm tại Indonesia.
Khi đó, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết nhà sản xuất ô tô điện của Việt Nam đang tìm đất để xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp.
Và đến nay, ông Temmy Wiradjaja, Giám đốc điều hành của VinFast Indonesia cho biết dự án nhà máy đang trong giai đoạn thu hồi đất. Tuy nhiên, vị trí cụ thể chưa được công bố.
Đại lý tại Indonesia cũng đã ra mắt cửa hàng đầu tiên tại TP Depok, Tây Jakarta. Trong năm 2024, VinFast sẽ tiếp tục tăng độ phủ của hệ thống cửa hàng tại quốc gia vạn đảo.
Đến tháng 3, VinFast tham dự Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) và ký kết ý định thư hợp tác với 15 đại lý đầu tiên tại Thái Lan. Điều này đánh dấu hãng xe Việt Nam tấn công thị trường hấp dẫn bậc nhất ASEAN.
Ngoài thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận thuộc vùng đại đô thị, mạng lưới đại lý của VinFast sẽ mở rộng sang các địa phương có sức ảnh hưởng như Chiang Mai, Khon Kaen, Ubon Ratchathani, Ayutthaya và Chonburi.
Khi đó, VinFast cho biết các đại lý tại Thái Lan kinh doanh mẫu xe VF e34, VF 5, VF 6 và VF 7 trong giai đoạn đầu, ngay sau khi những mẫu xe này ra mắt tại thị trường .
Và đến đầu tháng này, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thông báo chính thức gia nhập thị trường ô tô điện Philippines với các giải pháp di chuyển xanh đa dạng và thông minh.
"Ra mắt thương hiệu tại thị trường thứ ba ở Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2024, VinFast khẳng định quyết tâm chinh phục thị trường khu vực và nỗ lực thúc đẩy giao thông điện hóa trên toàn cầu", thông cáo của VinFast có đoạn.
Thông cáo cũng cho biết VinFast xem Mỹ, Canada, Châu Âu là thị trường trọng điểm. Và có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ sang những quốc gia trong khu vực Châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, cùng khu vực Trung Đông và châu Phi.
Cách đây vài ngày, mạng xã hội lan truyền hình ảnh chiếc VinFast VF e34 được bắt gặp ở Malaysia gắn biển số của nước này. VinFast VF e34 là dòng sản phẩm phổ thông, dễ bán tại các quốc gia đang phát triển.
Việc ra biển chính thức cho thấy VinFast đã có được giấy "Phê duyệt loại xe (VTA)". Đây là giấy tờ bắt buộc với một chiếc xe lăn bánh ở Malaysia. Thủ tục này được thiết lập để đảm bảo mọi phương tiện đã đăng ký đều đáp ứng các tiêu chí an toàn nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, đến nay, VinFast chưa khẳng định chính thức sẽ thâm nhập thị trường Malaysia, vốn đang được thống trị bởi hãng xe xăng nội địa Proton.
Theo tờ The Star (Malaysia), xe điện nhìn chung vẫn được nhóm thu nhập cao nhất nước mua do khả năng chi trả, phát sinh từ cơ cấu thuế hiện hành và các hạn chế được đưa ra để bảo vệ nguồn cung ô tô trong nước.
Trong tuyên bố của Hiệp hội phương tiện không phát thải (ZEVA), doanh số bán xe điện ở Malaysia đạt 13.257 chiếc vào năm 2023, nâng tổng số xe điện trên đường phố Malaysia lên 16.763 chiếc, Paul Tan dẫn nguồn.
Trong khi đó, số lượng bộ sạc xe điện tính đến cuối năm 2023 đã đạt 2.020 chiếc, với tỷ lệ bộ sạc trên EV xấp xỉ 1:8, tức cứ 8 xe điện thì có một bộ sạc EV , theo tuyên bố của ZEVA.
ZEVA cho biết nhiều chiếc xe điện dự kiến sẽ được bán trong nước trong năm nay. Họ ước tính rằng doanh số bán xe điện sẽ đạt 19.000 đến 20.000 chiếc trong năm nay và do đó cần có thêm nhiều bộ sạc công cộng ngay lập tức.
Hai quốc gia láng giềng Việt Nam, là Campuchia và Lào, vẫn chưa cho thấy sự hiện diện bán hàng của VinFast. Riêng Lào, người dân nước này đã có thể trải nghiệm xe điện của hãng này nhờ doanh nghiệp taxi Xanh SM.
Theo Khmer Times, Campuchia sẽ sớm đưa ra Chính sách quốc gia về phát triển xe điện giai đoạn 2024-2030 để nắm bắt các cơ hội đổi mới và công nghệ mới phù hợp với môi trường kinh tế và thương mại đang thay đổi.
Tờ báo này dẫn số liệu của Bộ Công chính và Giao thông Vận tải (MPWT) cho biết, vào tháng 12 năm 2023, Campuchia chỉ có 1.489 xe điện (EV ) trên đường. Tuy nhiên, Bộ này kỳ vọng rằng Campuchia sẽ có hơn một triệu xe hai và ba bánh chạy điện từ năm 2030 đến năm 2040 và khoảng 100.000 ô tô điện từ năm 2035 đến năm 2042.
Ước tính của MPWT, Campuchia có thể cần khoảng 9.900 đến 33.800 điểm sạc vào năm 2050 và điều này sẽ cần đầu tư từ 168 triệu đến 576 triệu USD.
Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã gửi tín hiệu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xe điện, điều này cũng có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi vương quốc từ một quốc gia nông nghiệp thành một quốc gia dựa vào công nghiệp.