Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH Bến Tre, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông Nhưỡng là một trong những đại biểu Quốc hội rất tâm huyết với vấn đề đặc khu kinh tế và có nhiều ý kiến đóng góp đối với dự thảo luật này.
Nhà đầu tư không đến đặc khu để nhận quà?
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết ra đời của luật đặc khu trong thời điểm hiện nay?
Sự ra đời của Luật đặc khu là hết sức cần thiết. Nhiều người nói rằng việc ban hành đạo luật này là muộn nhưng theo tôi, nói như thế chưa thỏa đáng bởi không có cái gì là muộn.
Nền kinh tế của cả thế giới như một guồng máy phát triển, vận động liên tục cho nên khi nào chúng ta thấy điều kiện chín muồi thì chúng ta làm. Không có đặc khu nào giống hoàn toàn đặc khu nào cho nên chúng ta cần dựa vào điều kiện của mình để xác định thời điểm ban hành luật. Có thể đặc khu của chúng ta cần những đặc thù riêng so với đặc khu của các nước khác và chúng ta cần tạo ra những điểm nhấn của riêng minh để tạo một sự lan tỏa.
Với những ưu đãi trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như hiện nay, theo ông đã đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược chưa?
Đã là đặc khu thì phải có ưu đãi nhưng chúng ta phải hiểu rằng, các nhà đầu tư không phải đầu tư ở đặc khu để nhận quà mà họ muốn có những ưu đãi để họ yên tâm đầu tư và tìm được những hiệu quả chính sách.
Vì vậy, chúng ta đừng ngại ngùng về việc người ta thấy có ít ưu đãi người ta không đến mà món quà lớn nhất với họ trước hết là tinh thần, họ đến đây là để yên tâm đầu tư và yên tâm rằng khi đầu tư vào đây không bị rủi ro và yên tâm rằng mình đầu tư vào đây mình có hiệu quả.
Các nhà đầu tư vào đặc khu với số vốn rất lớn từ vài trăm tỷ cho đến cả nghìn tỷ. Họ bỏ ra vốn đầu tư rất lớn nên họ sẽ quan tâm đến vấn đề rất rủi ro. Vì vậy, chúng ta phải làm thế nào để cho họ tin tưởng, giúp giảm bớt rủi ro và chi phí ban đầu cho họ chứ không phải hình thức chúng ta tặng quà.
Không có một cái đặc khu kinh tế nào không có ưu đãi, đây là điều hết sức cần thiết, điều quan trọng chúng ta phải cân nhắc về tính chất, mức độ và thời điểm ưu đãi thế nào.
Thưa ông, luật đưa ra những ưu đãi như tăng thời gian sử dụng đất lên đến 99 năm, các ưu đãi khác về thuế…Nhiều ý kiến cho rằng ưu đãi như vậy không phải là mục tiêu của việc ban hành luật?
Những ưu đã này là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Ưu đãi có nhiều vấn đề như tôi đã nói có thể là ưu đãi về kinh tế, về chính sách hay tinh thần. Ngay cả việc chúng ta sẵn sàng đào tạo cho một đội ngũ lao động chất lượng cao, nguồn nhân lực 4.0 cũng là một ưu đãi.
Hình thức ưu đãi có rất nhiều chứ không phải chỉ có giảm thuế hay tăng thời hạn sử dụng đất. Thế nên tôi cho rằng cái quyết sách của chúng ta về đất 50 năm, 70 năm hay trường hợp đặc biệt theo Thủ tướng chính phủ quyết định là 99 năm là có thể chấp nhận được .
Đặc khu phải có thể chế đặc thù
Bên cạnh ưu đãi, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thể chế tại đặc khu, nhiều ý kiến cho rằng phải trao cho người cầm quyền của đặc khu công cụ để họ thực hiện những quyết sách. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng nếu người đứng đầu có quá nhiều đặc quyền thì sẽ tạo ra vấn đề về lợi ích nhóm. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Luật đặc khu kinh tế chắc chắn sẽ phải mang tính đột phá, phải tốt hơn các đạo luật khác. Đạo luật này chỉ có thể thấp hơn Hiến pháp, còn sẵn sàng vượt qua các các quy định khác bởi đây là thể chế đặc thù. Đặc thù mà phải tuân theo các quy định ràng buộc khác thì sẽ không còn là đặc thù.
Chúng ta cần phải xây dựng một thể chế về tư lệnh đặc khu cho chủ tịch UBND đây là một cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước thủ tướng chính phủ, trước HĐND, đoàn đại biểu quốc hội và các đại biểu quốc hội mặt trận tổ quốc. Như vậy có rất nhiều tầng lớp để giám sát con người này.
Vì vậy chúng ta phải tìm được một người xuất sắc giống như thể chế tổng thống để trao cho họ quyền quyết định. Chúng ta cần phải mạnh dạn thiết kế một mô hình tư lệnh của đặc khu.
Thưa ông, Luật đặc khu đang được bàn thảo tại Quốc hội và dự kiến có thể sẽ thông qua ngay kỳ họp lần này. Nếu được thông qua, ông kỳ vọng gì vào sự phát triển kinh tế tại các khu vực Luật đặc khu áp dụng?
Tôi nghĩ rằng muốn tạo ra một sức bật, một sự đột phá thì chúng ta cũng phải đột phá về mặt tư tưởng, về mặt nhận thức và quan điểm. Với tư cách là đại biểu quốc hội tôi là người ủng hộ cho dự án luật này. Và tôi kỳ vọng rằng chủ thể thực thi Luật này sẽ làm tốt, đem lại sức bật cho các khu vực đó.
Xin cảm ơn ông!
Nhà đầu tư chiến lược không mặn mà thì đặc khu không thể thành công
Phải thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược thì mới hy vọng đặc khu phát triển được. Bởi khi nhà đầu tư có vốn lớn thì người ta sẽ có tư duy, kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính. Còn nhà đầu tư chiến lược không mặn mà thì không thể thành công.
Tinh thần của luật hiện nay đã tính đến những ưu đãi mà chỉ nhà đầu tư chiến lược mới có được, tôi cho như vậy là được.
Ví dụ, như chính sách về thời gian thuê đất, hiện nay đang dự kiến thời gian dài hơn so với luật định để cho nhà đầu tư chiến lược người ta vào làm xác định có thời gian lâu dài. Vì người ta đổ vốn vào rất lớn.
Ông Bùi Văn Phương, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội