Chúng tôi đến ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân tìm gặp lão nông Khmer Thạch Sol, một trong những người có thâm niên trồng dừa sáp tại vùng chuyên canh cây đặc sản này. Tiếp chúng tôi trong vườn dừa sáp đang xum xuê trái, ông Thạch Sol cho biết, chưa có năm nào người trồng dừa phấn khởi như năm nay. Gần năm nay giá dừa khô luôn ở mức cao, đỉnh điểm lên đến 120.000-140.000 ngàn đồng/chục (12 trái); trái có sáp 120.000 -130.000 ngàn đồng/trái. Còn hiện giá dừa khô dao động ở mức 100.000-130.000 ngàn đồng/chục, trái có sáp 60-100 ngàn đồng/trái. Với mức giá này phần lớn các hộ ở xã Hòa Tân mỗi tháng thu nhập không dưới chục triệu đồng, trong khi công chăm sóc rất ít so với cây trồng khác.
“Dừa năm nay giá dừa khô thường ổn định ở mức 100-130 ngàn đồng/chục. Còn trái có sáp loại ngon giá từ 90-100 ngàn đồng/trái. Như vậy một hộ có 05 công dừa sáp , tháng nào thấp nhất cũng thu nhập từ 5-6 triệu đồng”- ông Thạch Sol chia sẻ.
Còn hộ ông Thạch Chanh ở ấp Chông Nô 2, lão nông tri điền sở hữu hơn 600 cây dừa sáp, trong đó có gần 100 cây dừa sáp cấy phôi; trung bình, mỗi năm thu nhập khoảng 250 triệu đồng từ trái dừa có sáp và trên 300 triệu đồng từ trái dừa khô thường. Ông Chanh cho biết, dừa sáp trồng từ cây giống truyền thống tỷ lệ sáp trung bình đạt từ 20-30%, còn trồng từ giống cấy phôi trái tỷ lệ sáp đạt khoảng 80%, cá biệt có cây cho trái sáp gần 100%. Hiện nay, phần lớn nhà vườn đầu tư trồng giống dừa sáp cấy phôi nên năng suất trái sáp ngày càng cao, thu nhập cũng tăng theo.
Ông Thạch Chanh cho biết, gia đình ông cũng trồng được gần 100 cây dừa sáp cấy phôi, cho tỷ lệ sáp rất cao. Có những cây mỗi buồng thu về không dưới triệu đồng. Mỗi tháng bình quân thu nhập khoảng 30 triệu đồng”.
Tại vùng chuyên canh dừa sáp thuộc các ấp Chông Nô 1, Chông Nô 2, Chông Nô 3 và Sóc Ruộng, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, ngoài bán trái sáp thương phẩm, nhà vườn còn khai thác bán cây dừa sáp giống cho các khách hàng trong và ngoài địa phương có nhu cầu. Giá dừa sáp giống tại vườn thường dao động khoảng 25.000 - 30.000 đồng/cây. Đây là nguồn thu nhập tăng thêm không hề nhỏ cho các nhà vườn ở đây. Ông Phạm Thanh Toàn, Trưởng Phòng Nghiệp nghiệp huyện Cầu Kè khẳng định, cây dừa sáp cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với dừa thường, giúp một số hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu, có nhiều hộ dân tộc Khmer khá giả từ cây trồng này.
Đến nay, huyện Cầu Kè có tổng diện tích trồng dừa sáp 1.145ha, chiếm 92% diện tích trồng dừa sáp của tỉnh Trà Vinh , sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 03 triệu trái. Với giá bán cao hơn nhiều lần so với dừa thường nên mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp của địa phương; trong này có trên 70% là hộ đồng bào Khmer.
Trà Vinh đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích và trồng theo hướng chọn giống cho tỷ lệ trái sáp cao. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 Trà Vinh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dừa sáp ; hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm đối với cây dừa sáp trên địa bàn tỉnh. “Ngoài nghị quyết của HĐND tỉnh ra, huyện còn hỗ trợ người dân có một khoản tiền từ Ngân hàng chính sách, để nông dân mở rộng diện tích trồng dừa của mình. Từ đó nguyên liệu dừa sáp đáp ứng đủ cho doanh nghiệp chế biến và cung cấp cho khu vực lân cận” - Bí thư Huyện ủy Cầu Kè Nguyễn Hoàng Khải cho biết.
Theo kế hoạch, tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dừa sáp khoảng 5.000ha và khuyến khích nhà vườn trồng dừa sáp cấy mô, thay "màu áo” mới cho dừa sáp để sản phẩm được vươn xa ở thị trường trong nước và quốc tế.