Tiết canh được làm từ tiết động vật (lợn, vịt, ngan...) trộn với nội tạng, sụn, thịt. Đây là món ăn được nhiều người Việt ưa thích, nhưng lại khiến du khách phương Tây e dè, sợ hãi.
"Đặc sản" của người Việt nhưng khiến khách Tây "khóc thét"
Với quan niệm huyết tươi là loại thuốc bổ, từ xa xưa, ông cha ta đã sử dụng nguyên liệu là tiết động vật tươi, pha với chút nước mắm hoặc nước muối nhạt, hãm cho khỏi đông trước khi trộn với những phần thịt, nội tạng, sụn băm nhỏ để làm đông tiết.
Món ăn này phổ biến từ xa xưa trong ẩm thực của người Việt, đặc biệt là ở miền Bắc, nhưng chưa từng thấy trong ẩm thực của một nơi nào khác trên thế giới.
Vì nhiều lý do, nhất là vấn đề liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm nên tiết canh được xem là món ăn không an toàn. Trong quá trình chế biến, tiết của động vật không qua bất kỳ công đoạn tiệt trùng nào mà được ăn trực tiếp cùng với lạc rang và rau thơm.
Dù khá phổ biến với người Việt, nhưng cho dù dễ tính đến đâu, hầu như không có mấy thực khách quốc tế dám động đũa vào món ăn này. |
"Mục sở thị" một quán tiết canh ngan nổi tiếng gần 20 năm nay ở khu tập thể Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), chị Bùi Thị Nguyệt, nhân viên gắn bó với quán 16 năm nay cho biết: "Mỗi ngày quán chỉ bán khoảng 50 bát tiết canh ngan, những ngày cuối tuần thì số lượng bán được nhiều hơn. Tiết canh chỉ gồm tiết của ngan, không pha tiết lợn nên được rất nhiều người ưa chuộng".
Chị Nguyệt cho biết, mỗi ngày quán chỉ bán khoảng 50 bát tiết canh, ngoài ra còn bán được hàng trăm bát bún, miến ngan. |
Quán tiết canh ngan thu hút chủ yếu "cánh mày râu". |
Chị Nguyệt cũng cho biết thêm, ngan được chọn lọc lấy từ huyện Thường Tín (Hà Nội), các chủ buôn sẽ làm thịt sẵn, để riêng tiết ngan vào các chai. Sau đó, chị sẽ băm nhỏ thịt ngan, nội tạng, sụn rồi sau đó hãm cũng tiết. Mỗi bát tiết canh ở đây có giá 15.000 đồng.
Ông Phạm Đức Mạnh (Lương Định Của, Đống Đa, Hà Nội), khách quen đã ăn tiết canh ở quán hơn 10 năm nay chia sẻ: "Tôi ăn ở đây quen rồi, tiết canh là món sở trường của tôi và thấy quán làm từ tiết của ngan, đảm bảo vệ sinh nên thường xuyên đến ăn. Bộ Y tế cũng khuyến cáo không nên ăn nhiều, nên 1 tuần tôi ăn 1 lần. Ăn xong bát tiết canh tôi thường ăn thêm miến ngan nữa".
Tiết canh ngan là món sở trường của ông Mạnh, mỗi tuần ông đến quán ăn 1 lần. |
Khi ăn, thực khách vắt chút nước cốt chanh lên bề mặt bát tiết, rắc chút hạt tiêu, cùng một vài nhánh rau thơm rồi thưởng thức. |
Tiết canh ngan, vịt được ưa chuộng hơn tiết canh lợn vì có một vị ngọt, mát và giòn. |
Các món tiết canh ăn dễ gây lạnh bụng, đau bụng vì đồ tươi sống nên thường được ăn kèm với nhiều loại gia vị có tinh dầu cay nóng như rau húng quế, ngò gai, tía tô, hạt tiêu, ớt tươi, cốt chanh… nhiều người còn nhâm nhi cùng chén rượu.
Đặc biệt vào đầu tháng hoặc đầu năm, nhiều người kinh doanh quan niệm đi ăn bát tiết canh để lấy đỏ, may mắn cho cả tháng, cả năm.
Tuy nhiên, với người nước ngoài khi nhìn thấy bát tiết canh thì có phần hoảng hồn khi biết nguồn gốc của món ăn. Không chỉ vậy, tiết canh chứa nhiều vi khuẩn có hại cho con người.
Chuyên gia y học khuyến cáo mọi người không nên ăn tiết canh. |
Bên cạnh tiết canh, quán của chị Nguyệt còn phục vụ khách các món ăn về ngan: Bún ngan, miến ngan, ngan chặt… |
Trung bình, mỗi ngày chị bán được khoảng 200 bát các loại, những ngày cuối tuần, chỉ sau 3 tiếng mở bán đã hết hàng, nhiều người chậm chân sẽ lỡ hẹn thưởng thức món ăn từ ngan nổi tiếng của quán. |
(Theo Dân Trí)