Ông Nguyễn Văn Trung – Trưởng phòng kinh tế UBND thị xã Cửa Lò cho biết: “Hiện nay Cửa Lò có 4 làng nghề, trong đó có 3 làng nghề đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể là: Làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 ở phường Nghi Hải; Làng nghề bảo quản, chế biến hải sản ở phường Nghi Tân; Làng nghề đánh bắt và chế biến hải sản ở phường Nghi Thủy. Ngoài ra trong năm 2017 vừa qua, Hiệp hội cá thu nướng Cửa Lò ra đời và cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đặc sản này là thương hiệu tập thể của Cửa Lò.
Để giữ vững thương hiệu và phát huy vai trò của các làng nghề truyền thống, UBND thị xã Cửa Lò đã có những chính sách như hỗ trợ vay vốn cho các hộ dân,tập huấn kỹ thuật và vấn đề VSATTP, tìm đầu ra cho sản phẩm, hàng năm tổ chức cho người dân đi tham quan học hỏi những mô hình làng nghề du lịch điển hình ở nhiều nơi trên cả nước v.v… Nhờ đó các sản phẩm của Cửa Lò ngày càng phong phú đa dạng và gây được ấn tượng với du khách trong và ngoài nước”.
Các cơ sở chế biến tôm nõn ở làng nghề Cửa Lò.
Các cơ sở chế biến tôm nõn ở làng nghề Cửa Lò.
Một trong những làng nghề truyền thống lâu đời và là trung tâm đánh bắt hải sản lớn nhất thị xã Cửa Lò là phường Nghi Thủy với 40 tàu đánh bắt xa bờ, hơn 50 tàu nhỏ đánh bắt gần bờ, nhưng trước đây cũng chỉ hoạt động chủ yếu theo mùa vụ và mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết nên phát triển không có tính bền vững và hiệu quả thấp. Tuy nhiên từ khi có chủ trương xây dựng thương hiệu làng nghề, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, bà con ngư dân Nghi Thủy đã biết cách tạo nên chuỗi liên kết cung ứng từ khâu đánh bắt đến khâu chế biến, dịch vụ để tạo ra nguồn sản phẩm đa dạng, chất lượng đảm bảo, sản lượng và giá cả luôn ổn định.
Ông Hoàng Văn Yên – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề đánh bắt và chế biến hải sản Khối 7 phường Nghi Thủy chia sẻ: “Trước đây hải sản Cửa Lò chủ yếu chỉ bán được giá trong mùa du lịch, còn sang mùa đông thì ế ẩm, đánh bắt nhiều khi thua lỗ, nhưng bây giờ tiêu thụ đều đặn quanh năm. Bà con làng nghề chúng tôi đã hiểu được rằng mùa du lịch không chỉ là dịp để bán được nhiều hàng mà còn là cơ hội để quảng bá sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng. Do đó phải luôn cố gắng sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và giá thành rẻ để giữ uy tín, thu hút khách trong những mùa du lịch năm sau. Nhờ vậy rất nhiều khách du lịch đến Cửa Lò không chỉ sử dụng hải sản trong thời gian nghỉ dưỡng mà còn mua mang về làm quà và ghi lại số điện thoại để đặt hàng chuyển qua đường vận tải trong mùa đông và nhất là dịp gần Tết thì chúng tôi làm không kịp để bán”.
Cá cơm do ngư dân làng nghề đánh bắt hải sản phường Nghi Thủy Cửa Lò đem phơi khô ngay sau khi đánh bắt để giữ hương vị và chất lượng.
Cá nướng Cửa Lò thơm ngon không chỉ hấp dẫn khách hàng nhiều tỉnh thành khác mà còn là món ăn hàng ngày của người dân xứ Nghệ.
Theo chị Nguyễn Thị Nghi, chủ cơ sở chế biến tôm nõn ở khối 8 phường Nghi Thủy, ngoài những hải sản tươi sống như tôm, cua, ghẹ, ốc, mực,… một số đặc sản được chế biến khô có thể cất giữ dài ngày của Cửa Lò hiện nay được rất nhiều khách hàng các tỉnh ưa thích là tôm nõn, cá thu nướng, cá cơm, mực khô, mực một nắng v.v…
Bên cạnh đó nước mắm và ruốc Cửa Lò cũng đang dần khẳng định được thương hiệu và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Bởi vì khi chung tay xây dựng thương hiệu, bà con làng nghề Cửa Lò được quán triệt chỉ sử dụng các loại hải sản do chính người dân địa phương đánh bắt và đem chế biến ngay lúc còn tươi sống nhằm giữ được chất lượng, hương vị, nếu mua hải sản từ nơi khác về thì phải qua quá trình vận chuyển, bảo quản đông lạnh nên chất lượng sẽ giảm. Do đó nhiều khách hàng nhận xét hải sản Cửa Lò tươi sống hay được chế biến khô đều có vị ngon hơn nhiều nơi khác. Điều này đã giúp cho lượng tiêu thụ hải sản của bà con ngư dân Cửa Lò mấy năm gần đây liên tục tăng mạnh, nhiều thời điểm cung không đủ cầu, không còn tình trạng ế ẩm vào mùa đông như trước.