Trên vùng biên viễn quanh năm mù sương, người cơ tu ở Tây Giang (Quảng Nam) có một loại “rượu” đặc biệt, gọi là rượu Tr’đin.
Không phải chưng cất từ men với gạo trên ngọn lửa hừng hực như vẫn thường thấy, thứ rượu ấy được chiết xuất từ những giọt nhựa của một loại cây quý, tinh hoa của núi rừng là Tr’đin.
Sinh sôi hồn rừng
Trên miền biên viễn Khu 7, một cái tên bao gồm 4 xã giáp biên là Tr’hy, Ch’ơm, A xan và Gary ở khu vực huyện Tây Giang (Quảng Nam) có một loài cây được xem là đặc sản của thiên nhiên ban tặng đồng bào dân tộc Cơ Tu, đó là rượu Tr’đin. Thứ nước từ loài cây “đủng đỉnh” hoặc “móc rượu” là một thứ nước uống đặc biệt có men say nồng phổ biến ở núi rừng Tây Giang này lâu nay đã được người dân bản xứ chế biến thành thứ rượu trời hảo hạng.
Anh Bh’ling Khôi (ở xã Tr’hy, huyện Tây Giang) dẫn chúng tôi đi tìm những cây rượu trời cách cửa khẩu chừng 5 km. Trên những thân cây đã treo sẵn một chiếc can nhựa, nối với thân bằng một ống nứa. Nước từ thân cây nhỏ giọt theo máng xuống can nhựa. Anh Khôi bảo rằng, đây là thức uống độc đáo của người Cơ Tu. Anh bộc bạch, người Cơ Tu còn có rượu T’vạt (đoát), Adương (song mây) uống rất ngon và bổ. Nhưng, “Thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn” vẫn là rượu Tr’đin, được khai thác từ cây Tr’đin. Mùa xuân, mùa hè người Cơ Tu uống rượu T’vạt; mùa thu, mùa đông người Cơ Tu uống rượu Tr’đin. Các làng người Cơ Tu miền sơn cước Quảng Nam nơi nào cũng có cây T’vạt nhưng cây Tr’đin thì chỉ có ở Tây Giang, nơi sát biên giới Việt - Lào.
Khai thác “rượu trời” từ ngọn cây. |
Trước tiên, bằng con mắt “nhà nghề”, một người chỉ nhìn lên cây Tr’đin là xác định được cây có trúng thời điểm đục thân ra nước không. Khi đã xác định chính xác, người Cơ Tu làm cầu thang lên giàn bằng nhiều cây lồ ô buộc vào nhau chắc chắn, sau đó leo lên giàn ngồi đục.
Để có rượu, người Cơ Tu lấy vỏ cây chuồn, loại cây này có 2 loại: apăng và zuôn, lột ra phơi khô và ngâm vào ống đựng nước Tr’đin, dung dịch sẽ lên men. Rượu có vị thơm như sâm-panh hơi chát làm tê tê đầu lưỡi. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây cho biết, thì muốn lấy được rượu Tr’đin này cũng không dễ, phải có người biết lấy mới lấy được. Người này phải có kinh nghiệm trong việc tìm cây, tìm điểm để khoét lỗ, lấy rượu hoặc phải có “mẹo”.
Anh Khôi bảo cây Tr’đin thường mọc ở những nơi ẩm ướt, nhất là những khu vực gần khe hoặc suối. Nước từ cây Tr’đin có màu trắng đục, vị ngọt như đường. Rượu Tr’đin đem cho trẻ con và phụ nữ uống thì không bỏ apăng là loại vỏ cây cho nước lên men, nước sẽ ngọt lịm và thơm ngon như hương vị đường thốt nốt.
Muốn lấy thứ “rượu trời” này, người dân phải bắc giàn lên ngọn cây. |
Trung bình, mỗi ngày cây Tr’đin to cho khoảng 5-10 lít. Muốn lấy rượu Tr’đin thì phải dùng dao, rựa đục vào thân cây Tr’đin. Tính từ ngọn xuống chừa lại 4 cuống lá già, tại cuống lá già thứ tư từ trên xuống, đục đối diện với cuống lá này thấy ở trong đọt trắng mềm là khả năng ra nước nhiều; ngược lại, nếu đọt trong cứng vàng thì nước ít. Người dân nơi đây thường dùng dao thật sắc xén phía trên ngọn, cố gắng làm sao cho vết cắt thật ngọt để ngọn cây đoác không bị thối và cho nhiều “rượu” trong thời gian dài. Nếu cây lâu năm, không bị sâu, ngày đầu tiên có thể hứng được cả chục lít “rượu”. Những bình rượu này tuy nằm trên cây cao nhưng cũng thu hút ong, bướm, chim, sóc, chuột... đến thưởng thức, cho nên xung quanh ống lấy rượu được đồng bào bịt lại bằng một loại bùi nhùi lấy từ bẹ cây Tr’đin. Mỗi cây Tr’đin trưởng thành cho khoảng 3-4 tháng mới hết, sau đó người dân sẽ cho cây nghỉ lấy sức. Lần sau, muốn lấy tiếp phải dùng dao hớt ngắn đi một đoạn giúp cây cho “rượu” mới.
Rượu của trời, tình của làng
Anh Bh’ling Khôi thích thú kể rằng, người làng đi lấy rượu theo từng nhóm bạn thân nhau hoặc cả gia đình. Bởi vậy, việc lấy rượu còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của người dân. Không chỉ thế, khách dưới xuôi lên, muốn uống rượu, dù trời nắng hay mưa, đêm hay ngày, người dân cũng sẵn sàng mời uống rượu, nếu thích còn mời cùng đi lấy rượu.
Tr’đin là loại cây thuộc họ dừa nhưng lại cho nước từ thân cây. |
Không chỉ riêng anh Khôi mà người dân Cơ Tu ở vùng biên viễn này vẫn luôn tự hào rằng rượu Tr’đin là thứ “nước trời” sạch tuyệt đối. Anh Bh’ling Đan khoe về đặc sản của làng mình, rằng: “Rượu Tr’đin như là cái hồn của rừng núi, đồng bào nơi đây. Từ già tới trẻ, ai cũng thích uống rượu Tr’đin. Đàn ông mà mê rượu, uống rượu này đến mấy thì chỉ có thêm khỏe, chứ không say sưa mà đánh vợ, bỏ nương rẫy đâu”.
Rượu Tr’đin có màu đục như nước đậu nành, có mùi như mùi của bia và có có bọt sủi lên như bia thật mà lại có mùi men đặc trưng của rượu, khi uống vào thì không nóng rát như uống rượu mà mát. Đó cũng là lẽ mà phụ nữ trong làng này không bao giờ ngăn cản chồng đi tìm rượu trời. Vào những ngày lễ hội, mừng nhà mới, cưới hỏi trong thôn hoặc thu hoạch mùa, rượu đoác không thể thiếu. Vì thế, ngày tết cùng với những món ẩm thực quen thuộc như cá suối, thịt nướng, cơm ống tre... thì uống rượu Tr’đin trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.
Người dân dùng ống tre hứng “rượu trời”. |
Đêm huyền hoặc miền rừng, bên chiếu rượu bày ra giữa mênh mông sương núi, những câu chuyện vui bắt đầu được kể. Người làng say sưa nói về rượu Tr’đin, về những chuyến đi lấy rượu của họ trong suốt cuộc đời. Và tiếng hát cũng bắt đầu cất lên vang vọng cả núi rừng. Các cụ già kể về những chiến công, những phong tục của dân tộc mình. Người trẻ thì ngồi nghe chăm chú trong cái say lưng chừng của rượu trời. Cái tình của họ hòa với đặc sản của núi rừng Tây Giang làm người lên đây chơi hẳn ai cũng phải thấy xốn xang lòng. Cứ thế, rượu Tr’đin này cùng tồn tại song song với những nét văn hóa độc đáo của người Cơ Tu nơi đây. Nó gắn bó máu thịt với người dân, trở thành gia vị trong cuộc sống của họ.
Thời gian qua, khi khách du lịch trong và ngoài nước thích thú với những tour du lịch tự trải nghiệm, họ đi qua những bản làng của người Cơ Tu và được cư dân hiếu khách mời thưởng thức rượu Tr’đin. Họ không khách sáo, cứ uống và vui vẻ cho rằng đó là rượu “sâm-panh Tr’đin” đặc biệt này. Nhiều người mua về làm quà và giới thiệu tới nhiều nơi khác.
Một thân cây Tr’đin đang cho “rượu”. |
Để loại rượu này có nhiều hơn và giới thiệu được đặc sản với nhiều người, nhiều địa phương ở nơi khác, một số thôn làng ở Khu 7 đã nhân giống và trồng loại cây Tr’đin này. Để có nước cất rượu, người Cơ Tu còn nhổ cây Tr’đin con mang về nhà trồng hoặc gieo hạt giống. Người có kinh nghiệm thường chọn lấy giống từ những cây to cao để lấy hạt dẹt (hạt cái). Cây Tr’đin thường ra mỗi năm 1 buồng, mỗi buồng có hàng vạn trái, mỗi trái 1-2 hạt. Đồng bào thường lấy hạt ở buồng ra thứ nhất, thứ nhì thì cây giống tốt hơn, về sau cho thu hoạch nhiều nước hơn. Như tại thôn Arung (xã Bhalêê, huyện Tây Giang) có người trồng hàng trăm cây Tr’đin để làm thương phẩm, thu hoạch lấy rượu. Như ông Ploong Cril (71 tuổi) có hơn 100 cây Tr’đin, hầu hết đã “cho rượu”...
(Theo An Ninh Thế Giới)