Việc kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 cùng với việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do, hàng loạt đại gia công nghệ toàn cầu đã theo làn sóng đầu tư đang dịch chuyển để tìm đến Việt Nam.
Làn sóng đầu tư công nghệ mới
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã đón nhận những làn sóng đầu tư dây chuyền công nghệ của hàng loạt tên tuổi lớn. Dẫn đầu là các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, sự xuất hiện của các đại bàng kéo theo cả chuỗi sản xuất với dòng vốn lên đến hàng tỷ USD.
Với vai trò đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, Foxconn đang có kế hoạch đầu tư khoảng 270 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Theo Nikkei Asian Review, nhà máy của doanh nghiệp này tại Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Ninh đã xuất xưởng lô màn hình tinh thể lỏng (LCD) đầu tiên tại Việt Nam vào tuần trước nhằm mục đích tận dụng lợi thế từ RCEP vừa được ký kết gần đây, cũng như hy vọng tăng năng lực sản xuất của công ty tại Việt Nam.
"Cơn sốt đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào Việt Nam đang ngày càng nóng", Young Liu - Chủ tịch Foxconn, nhận xét. Theo ông Liu, Foxconn sẽ sản xuất nhiều loại sản phẩm tại Việt Nam, bao gồm TV, thiết bị viễn thông và sản phẩm liên quan tới máy tính.
Đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple tính mở rộng sản xuất tại Việt Nam |
Đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, Foxconn có 5 nhà máy tại Việt Nam, tập trung ở các khu công nghiệp đặt tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Tại Bắc Giang, Foxconn đang xây dựng dây chuyền lắp ráp cho hai sản phẩm Apple, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm nay.
Các đối thủ của doanh nghiệp này như Pegatron và Wistron cũng quyết định mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Vào tháng 9/2020, Pegatron đã đầu tư 1 tỷ USD vào cơ sở sản xuất thiết bị điện tử ở Hải Phòng.
Cùng thời điểm, Luxshare tiến hành xây dựng nhà máy ở Bắc Giang để chuyển một phần dây chuyền lắp ráp Apple AirPods về Việt Nam, thậm chí có thông tin cho rằng, tập đoàn này có thể đặt dây chuyền lắp ráp iPhone tại đây.
Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, hàng loạt đại gia khác như Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản, Lenovo từ Hồng Kông đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Xu hướng các sản phẩm công nghệ cao dự kiến sẽ tăng mạnh từ năm 2021 và nhu cầu gia tăng từ những người mua sắm quan tâm nhiều hơn đến chi phí, các sản phẩm cấp thấp dự kiến sẽ tăng trưởng tốt trong vòng 2 năm tới.
Trước đó, Việt Nam đã đón nhận những làn sóng đầu tư dây chuyền công nghệ của hàng loạt tên tuổi lớn như Canon, Microsoft, Nokia, Intel, LG và đặc biệt là Samsung..
Vị thế phát triển thịnh vượng
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam, nhận định: “Chủ trương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ và mở rộng các BĐS công nghiệp để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam là một yếu tố tích cực. Đồng thời, những chuyển biến theo tình hình kinh tế thế giới cũng như biến động quan hệ kinh tế thế giới là một điểm cộng cho chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam”.
Các chuyên gia nhấn mạnh vào yếu tố dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất lớn tới Việt Nam. Nguyên nhân làn sóng dịch chuyển diễn ra mạnh mẽ do các công ty đa quốc gia sản xuất những mặt hàng công nghệ hay tiêu dùng phải chịu áp lực cắt giảm chi phí.
Các công ty có vốn FDI không chỉ thành lập nhà máy mới ở Việt Nam mà còn có động lực lớn hơn để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng địa phương. Sau khi đại dịch lắng xuống, lạm phát tiền lương có xu hướng tăng khiến nhà sản xuất tìm đến Đông Nam Á đặt cứ điểm sản xuất mới.
BĐS công nghiệp đón làn sóng đầu tư |
Lý giải cho sự phục hồi nhanh chóng của phân khúc bất động sản công nghiệp của Việt Nam có thể kể tới 6 điểm chính như sau: Tầng lớp trung lưu và khu vực tư nhân năng động đang phát triển mạnh mẽ; Môi trường kinh doanh bền vững, chính trị ổn định; Chính phủ tiếp tục duy trì các khoản chi tiêu để ngăn chặn dịch bệnh; Đẩy mạnh chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ngăn chặn sự đóng băng trường bất động sản.
Các hiệp định thương mại song phương và đa phương như EVFTA hứa hẹn cải thiện khả năng tiếp cận thị trường. Đặc biệt, Việt Nam có vị thế tốt để phục hồi và phát triển thịnh vượng sau Covid-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bất động sản công nghiệp trong vấn đề liên kết với chuỗi cung ứng, liên kết các vấn đề kho bãi, giao thông mới chỉ ở giai đoạn đầu, chính vì vậy cần có những chiến lược đúng đắn và cụ thể hơn trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia vào phân khúc bất động sản này.
Theo bà Nguyễn Hoài An, đại diện CBRE Việt Nam, các chủ đầu tư khu công nghiệp cần thay đổi về phát triển sản phẩm để thích ứng với tình hình mới. Điểm nổi bật là áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý và vận hành cơ sở hạ tầng, cung cấp các gói dịch vụ bao gồm dịch vụ pháp lý, nhân sự để giúp khách thuê tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, khi các ngành công nghiệp ở Việt Nam phát triển, nhu cầu về lao động có tay nghề cao và có trình độ sẽ tăng lên. Để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng lao động của các dự án có giá trị cao hơn, điều cần thiết là phải tiếp tục đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực CNTT, toán học và khoa học.
Ông John Campbell, quản lý bộ phận BĐS công nghiệp Savills, nhận định, sự chuyển hướng của các phân khúc thuộc chuỗi cung ứng ngày càng rõ rệt, nhiều chủ đầu tư mong đợi một năm bận rộn khi các rào cản được tháo dỡ.
Duy Anh