Chiều 3-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM, là đại biểu đầu tiên chất vấn "tư lệnh" ngành xây dựng.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ nêu thực trạng nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, trong khi pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, chưa nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng nhà ở xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Từ trực trạng đó, Chủ tịch HĐND TP HCM chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị về các giải pháp để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là các chính sách về vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa đạt yêu cầu đề ra. Đến nay, chúng ta mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2. Bên cạnh đó, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội chỉ mới đáp ứng 36,31% nhu cầu.
Theo Bộ trưởng, quy định pháp luật về nhà ở xã hội đúng như đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề cập, còn có nhiều vướng mắc, đặc biệt là Luật Nhà ở. Các chính sách về phát triển nhà ở xã hội chưa rõ ràng, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa thực sự hấp dẫn.
Bên cạnh đó là các hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện, bố trí nguồn vốn. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nhiều địa phương còn chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều bất cập.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn
Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc để tạo nguồn cung nhà ở xã hội. Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp, tạo quỹ đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong giai đoạn 2021-2030 mà Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ.
Cùng quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị về nguyên nhân dẫn tới giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người dân và giải pháp khắc phục bất cập này trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu Tô Văn Tám, Bộ trưởng thừa nhận giá nhà ở xã hội hiện này đang ở mức cao. Về nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng do chưa đảm bảo được nguồn cung, quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội chưa đảm bảo, chính sách ưu đãi chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư tham gia xây dựng dự án nhà ở xã hội, dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo, giá tăng cao so với người có thu nhập thấp.
Với giải pháp đồng bộ về pháp luật, chính sách phát triển, tăng nguồn cung, ưu đãi như phần trả lời đại biểu Nguyễn Thị Lệ nêu trên, Bộ trưởng cho biết ngành xây dựng quyết tâm thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đảm bảo giá nhà ở xã hội phù hợp hơn với thu nhập của người dân.