Phát biểu về diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tác động đến Việt Nam, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị, cho rằng với vị trí địa lý đặc biệt, nền kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào 2 thị trường này.
Việt Nam theo đó có thể chịu sự rủi ro về thương mại, tiền tệ và dòng vốn. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, Việt nam có thể nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ. Đồng thời, nền kinh tế trong nước cũng có thể đón một phần dòng vốn FDI đang rời khởi Trung Quốc để né thuế.
Điều này được ông ví von rằng Việt Nam có thể trở thành "vịnh tránh bão" trong cuộc chiến thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực.
Thời điểm nhạy cảm này, theo ông Đồng, đòi hỏi các chính sách ngoại giao của Viẹt Nam phải hoá giải được tình thế lưỡng nan cũng như chớp được cơ hội, đồng thời, tránh hoặc giảm những rủi ro.
Do đó, vị đại biểu này cho rằng những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 và các năm tiếp theo phải được làm rõ. Hiện gói chính sách kinh tế vĩ mô, tài khoá, tiền tệ dư địa còn ít.
Mặt khác, nền kinh tế phải trông chờ vào các chính sách, giải pháp từ phía tổng cung như cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông nhấn mạnh cần ưu tiên chính sách mới để thu hút đầu tư nước ngoài, cân đối nguồn lực để hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước, tái cơ cầu nền kinh tế…
Ông cho rằng cần phải đa dạng hoá thị trường, đa phương hoá đối tác thương mại, giảm sự phụ thuộc vào hai thị trường Mỹ - Trung.
"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ là câu chuyện của tranh chấp thương mại", Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận xét. Theo ông, đây là tranh chấp vị trí địa chính trị, những vấn đề lớn, do vậy, dẫn đến nhiều hệ luỵ.
Bộ trưởng cho biết hiện Chính phủ, các Bộ, ngành rất quan tâm đến những diễn biến này và đều có các nghiên cứu, phối hợp và báo cáo thường xuyên để có sự điều chỉnh trong chính sách.
"Trong điều hành, chiến lược sắp tới đều có sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng để khai thác tốt cơ hội, hạn chế nguy cơ, tiêu cực từ cuộc chiến này", Bộ trưởng nhấn mạnh.