Dẫn con số tổng số nợ các ngân hàng cho ngư dân vay đóng tàu cá trên toàn quốc đến nay là gần 11.700 tỷ đồng, đại biểu Lê Công Nhường cho biết, riêng tại Bình Định hiện có 47 chủ tàu bị nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng với tổng số tiền gần 208 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 104 tỷ đồng, lãi 107 tỷ đồng.
"Khách hàng chậm trả nợ ngân hàng, chi phí nhân công nhiều, chi phí đánh bắt lớn nhưng nguồn lợi thủy sản có hạn, ngư dân chậm trả nợ nên tác động lớn tình hình tài chính đến các ngân hàng tham gia cho vay đóng tàu theo Nghị định 67. Đến nay dù ngân hàng đã khởi kiện ngư dân vay đóng tàu và số lượng khởi kiện ngày càng tăng và nhiều ngư dân nợ nần vì tham gia vay đóng tàu", ông Nhường nêu thực tế.
Đại biểu Nhường cũng nêu một số tồn tại, hạn chế dẫn tới hiện tượng trên, đó là:
Khi triển khai Nghị định 67 chúng ta chưa cảnh báo khả năng trữ lượng nguồn thủy sản có khác biệt với tổng công suất tàu cá. Nhất là khi đóng những tàu công suất lớn. Công suất tàu đóng theo Nghị định 67 đã vượt trữ lượng cá ở vùng biển. Bộ NN&PTNT đã ban hành danh mục 21 tàu vỏ thép, áp dụng cho toàn quốc nhưng khi áp dụng cho từng địa phương vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp. Để phát triển nghề cá bền vững cần phát triển khai đồng bộ về phương tiện, kỹ thuật, ý thức; Phải đào tạo ngư dân làm chủ được tàu vỏ thép chứ không chỉ nâng cấp về phương tiện.
"Qua đó cho thấy chúng ta đã quá vội vàng trong triển khai tàu theo Nghị định 67, khiến những ngư dân chưa được đào tạo, thích nghi phương tiện mới đã trở thành con nợ xấu sau khi đóng tàu vỏ thép. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá lại và tháo gỡ kịp thời bất cập trong quá trình hỗ trợ những ngư dân tiên phong thực hiện Nghị định 67...", vị đại biểu của Bình Định nói.
Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Công Nhường kiến nghị, đề xuất một số giải pháp:
Về trả nợ vay, đại biểu Nhường đề nghị NHNN chỉ đạo các NHTM phối hợp tăng cường thu hồi nợ vay với các tàu hiệu quả mà chây ì và giáo dục chung cho ngư dân.
Đồng thời, NHNN và Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cơ chế bàn giao nợ vay từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới. Quy định cụ thể về nợ quá hạn, lãi suất cho vay, hỗ trợ lãi suất trong trường hợp chủ tàu mới nhận lại khoản vay của chủ tàu cũ đã quá hạn để có cơ sở thực hiện.
Với tàu nằm bờ không có khả năng trả nợ hoặc chủ tàu muốn giao tàu tài sản thế chấp lại cho ngân hàng, đề nghị cần sớm có hướng dẫn thực hiện trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng thực hiện dự án đóng mới nâng cấp tàu hoặc tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực khai thác tài sản tại khoản 3 Điều 1, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Đối với bảo hiểm thân tàu, Chính phủ hỗ trợ các tàu đóng mới theo Nghị định 67 kinh phí mua bảo hiểm với mức hỗ trợ 90% để giảm bớt số tiền mua bảo hiểm cho các chủ tàu.
Đề nghị có cơ chế hỗ trợ cho các công ty thủy sản, công ty nhà nước, hợp tác xã nhận các tàu ngư dân muốn giao lại để sửa chữa, khai thác thì ưu tiên mướn lại ngư dân này để làm công nhân cho công ty, hợp tác xã khai thác nuôi trồng thủy sản.
“Chính phủ có cơ chế hỗ trợ hoán cải, cải tạo tàu cá thành tàu vận chuyển hàng hóa và các cơ chế chính sách tăng cường giao thông đường thủy, giảm áp lực cho đường bộ giải quyết số lượng tàu theo Nghị định 67 do ngư dân giao lại”, đại biểu Nhường đề xuất.