Chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu giải trình trước Quốc hội các nội dung về thu chi ngân sách, phân bổ ngân sách và quản lý nợ công.
Liên quan tới ý kiến cho rằng tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP của Việt Nam quá cao, gánh nặng thuế phí của người dân quá lớn, Bộ trưởng Dũng khẳng định tỷ lệ huy động ngân sách của Việt Nam không cao như đại biểu nói.
Cụ thể, tỷ trọng huy động vào ngân sách nhà nước/GDP của Việt Nam năm 2018 là 23,9% GDP, trong đó tỷ lệ thuế 19,7% GDP.
Dẫn báo cáo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ trưởng Tài chính cho biết tỷ trọng này tại các nước Liên minh Châu Âu là 44,3%; các nước phát triển và mới nổi trong khu vực châu Á là 25,5%; Trung Quốc: 28,2%, Ấn Độ 22,3%; Malaysia 20,4%....
“Khi so sánh với các nước thì chúng ta cần chú ý đảm bảo phải dựa trên tiêu chí đồng nhất. Ví dụ như số thu ngân sách nhiều nước thường là số thu của trung ương, trong khi Việt Nam lại lồng ghép 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã...”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, theo ông Dũng, phạm vi thu ngân sách Việt Nam gồm cả thu từ dầu thô, sử dụng đất, bán nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước, còn nhiều nước thì không tính khoản thu đó vào thuế, phí như Trung Quốc chẳng hạn. Hay một số nước phát triển còn tính bảo hiểm xã hội vào thu ngân sách nhà nước, Việt Nam không tính khoản này.
“Thực tế thuế suất một số sắc thuế phụ thuộc vào từng chiến lược từng thời điểm, ở từng thời kỳ từng quốc gia. Khi so sánh với một số sắc thuế cơ bản thì thấy rằng quy định của Việt Nam ở mức trung bình thấp trong khu vực, thế giới”, Bộ trưởng Tài chính nói và cho biết sẵn sàng đưa các đại biểu xem xét, nghiên cứu.
Ông Dũng cũng cho biết,vừa qua Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm, giãn thuế nhanh, mạnh hơn so với lộ trình dự kiến... nhắm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu.
"Dự kiến năm 2018, tỷ lệ huy động từ thuế, phí là 19,7% giảm hơn mức 20,1% năm 2017. Với mức này, chúng ta chưa đạt mục tiêu đề ra tỷ lệ huy động từ thuế phí là 21%", ông Dũng nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 31/10, đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cho rằng Việt Nam là 1 trong những nước có nguồn thu từ người dân tính trên tổng thu nhập của xã hội là rất cao so với các nước cùng có mức thu nhập và trình độ phát triển.
Nếu tính tỷ lệ thu ngân sách /GDP thì Việt Nam đang đứng ở thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc trong khu vực (Theo tổ chức kinh tế thế giới WTO, tháng 4/2017).
Số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới WB cho thấy tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay ở mức bình quân khoảng 20%, cao hơn so với Thái Lan là 16,1%, Philippin 13,5%, Idonesia 12,4% và Malaysia 14,3%.
"So với thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực nhưng tỷ lệ thu cao hơn đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế và phí trên GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác", ông Chuẩn nói.
Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng. "Như vậy, thực tế năm 2017 cho thấy đã áp dụng tối đa các giải pháp tận thu nhưng kết quả thu ngân sách vẫn giảm, không đủ chi", ông Chuẩn nói.
Từ những phân tích trên, ông Chuẩn cho rằng dù đã tăng thu tối đa, với mức thuế và phí rất cao xong kết quả thu ngân sách nhà nước không đạt được như mục tiêu và mong muốn đề ra.
"Vậy, phải chăng nên xem xét lại chính sách thuế và phí đang hiện hành thay cho việc tận thu, hành thu doanh nghiệp sang dưỡng thu, nuôi dưỡng nguồn thu, làm mục tiêu quyết định cho sự ổn định và phát triển nguồn thu, do đó tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, phí, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu ngân sách", ông Chuẩn nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại biểu này, việc nuôi dưỡng nguồn thu càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định lớn bắt đầu vào giai đoạn thực thi và các quy định cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
"Khi đó doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp nước ngoài, rất cần có trang bị các lá chắn về mặt pháp lý để tự bảo vệ mình, đủ tự tin bước vào môi trường cạnh tranh mới", ông Chuẩn nói.