Là người đầu tiên phát biểu ông Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang nói rằng rất vui mừng trước những con số được đưa ra, thể hiện kinh tế đang đi lên. Theo ông, lẽ ra logic thông thường là người dân sẽ vui mừng đón nhận thông tin tốt nhưng thực trạng lại đang là một sự hồ nghi do niềm tin lung lay. "Cái tốt không được tiếp nhận một cách thông thường do thực tế hàng ngày", ông nói.
Nghĩa là dù có nhiều chính sách vĩ mô nhưng những bức xúc hàng ngày chưa được giải quyết thì cố gắng của cả hệ thốn sẽ bị "vấy bẩn" khiến cả bức tranh tổng thế không được đánh giá cao.
Ví dụ như cử tri An Giang đang rất bức xúc với dự án đường tránh Long Xuyên, ông Hiếu dẫn ra và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần rà soát lại quy hoạch An Giang nói riêng và Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.
Hay như vấn đề giá điện, xăng dầu. Ông nói rằng Bộ Công thương trình ra 20 trang giải trình việc điều hành, 2 trang phụ lục với nhiều con số lập luận rằng mình làm đúng. Nhưng từ kinh nghiệm bản thân, ông cho biết: "Phác đồ đúng mà bệnh nhân không tốt thì phải xem xét lại. Nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng triển khai lại sai ở mắt xích nào đấy". Ông nhấn mạnh không duy ý chí, bảo thủ, che dấu sai lầm và kiến nghị Bộ Công thương nên rà soát lại toàn bộ.
Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn Bình Định lại đề cập đến vấn đề các văn bản, quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa theo kịp đời sống để giải quyết bức xúc, chất lượng văn bản pháp luật còn hạn chế, "tuổi đời" của các văn bản này chỉ tầm 3- 4 năm là phải sửa đổi…
Theo đó, ông đề nghị cần mời thêm giới luật sư, chuyên gia, đối tượng bị tác động bởi luật tham gia nhiều hơn trong khâu xây dựng luật. Cơ cấu lại bộ phận làm chính sách tách biệt với thực thi, để Bộ Tư pháp và Chính Phủ chủ trì các dự thảo, các Bộ cử người tham gia với tư cách chuyên gia. Ông cũng đề nghị áp dụng AI ( trí tuệ nhân tạo) trong các khâu lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu lại bày tỏ những băn khoăn về kiểm soát lạm phát. Theo bà, giá điện, xăng tăng cao có thể tác động đến chỉ số CPI. Bên cạnh đó vẫn còn ẩn số giá thực phẩm tiêu dùng, giá dịch vụ y tế, giáo dục trong đà tăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Do vậy, bà kiến nghị cần có những giải pháp hữu hiệu.
Bắt đầu từ sáng 30/5, Quốc hội bước vào 1,5 ngày thảo luận các vấn đề về kinh tế xã hội và ngân sách. Các thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo báo cáo trình Quốc hội, 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch, ví dụ như tăng trưởng đạt đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Vốn FDI đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%, đạt giá trị hơn 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD.
Kinh tế tiếp tục khởi sắc trong quý I năm nay khi GDP đạt 6,79%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,71% trong 4 tháng.
Dù vậy, kinh tế Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức trước những bất ổn, rủi ro địa chính trị…trong khi đó, bên trong nền kinh tế 94 triệu dân cũng tồn tại nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần giải quyết.