Tiếp tục kỳ họp thứ 4, ngày 1/11, Quốc hội bước vào ngày thứ hai thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch dự toán chi ngân sách 2018 và tài chính 3 năm 2018 - 2020.
Giơ biển xin tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết trong các phát biểu ngày hôm qua có nhiều ý kiến đề cập tới vấn đề kết hợp kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Một đại biểu đưa ra ý kiến cho rằng không phải vì ta thiếu cơ chế chính sách mà vấn đề ở tư duy của chúng ta khi kêu gọi đầu tư vùng Tây Nguyên cứ khoác lên "chiếc áo" an ninh, chính trị, phức tạp. Đây là nguyên nhân khiến một phần Tây Nguyên bị kìm hãm, không tự bật dậy được. Một số ý kiến khác lại nhắc đến chuyện sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước các ý kiến này, đại biểu Hồng cho rằng, vấn đề kết hợp kinh tế với đảm bảo quốc phòng an ninh là vấn đề được dư luận xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng "ồn ào" trong thời gian qua.
" Quân đội làm kinh tế hay không làm kinh tế, đây cũng là nội dung được đưa ra tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri", đại biểu Hồng nói và cho biết việc này cần được nhận thức rõ ràng và chính xác.
"Chúng tôi cho rằng bảo vệ Tổ quốc là yêu cầu phải luôn luôn gắn chặt với phát triển kinh tế", đại biểu Hồng nêu quan điểm.
Theo đại biểu này, quân đội nhân dân Việt Nam khác quân đội các nước khác vì có ba chức năng, trong đó có chức năng sản xuất. Chức năng sản xuất ở đây thể hiện bản chất của quân đội nhân dân Việt Nam, ông Hồng nhấn mạnh.
"Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chủ yếu hàng đầu nhưng chúng ta cũng không thể phủ định được thành quả của Viettel trong việc phát triển kinh tế. Do vậy chúng tôi cũng mong muốn tại diễn đàn này chúng ta khẳng định một lần nữa quan điểm quân đội làm kinh tế", đại biểu Hồng nói.
Trước đó, dư luận từng dấy lên tranh luận về việc quân đội có nên làm kinh tế hay tập trung vào nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từng khẳng định, quân đội sẽ không đi ngược lại với lợi ích của nhân dân. Thượng tướng cũng cho biết, quân đội không làm kinh tế đơn thuần nhưng quân đội vẫn làm kinh tế quốc phòng.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng, năm 2000 có 305 doanh nghiệp quân đội, đến năm 2016 được sắp xếp còn 88 doanh nghiệp, và trong đề án nói trên sẽ rút xuống còn 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Năm 2016, doanh nghiệp quân đội đạt doanh thu hơn 345.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 43.500 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 40.270 tỷ đồng, đảm bảo cho hơn 181.000 lao động với thu nhập bình quân 11,8 triệu đồng/tháng.