Sáng nay ngày 26/5, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách năm 2017 và kế hoạch 2018.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, chuyện buồn của ngành nông nghiệp đang hiện hữu khi luôn tái diễn điệp khúc được mùa mất giá, báo động đỏ tình trạng giải cứu nông sản, sản xuất không gắn với thị trường, cung vượt cầu...
Ông nhấn mạnh Chính phủ từng đặt ra mối quan hệ "5 nhà" trong ngành nông nghiệp nhưng không hiện thực hóa được, vai trò của Nhà nước mờ nhạt. "Ngành nông nghiệp cần đánh giá tổng quát vấn đề này, giải quyết bài toán khó của ngành", ông đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đoàn Tiền Giang trong khi đó phát biểu, theo Bộ NN&PTNT, nông sản nước ta đã bước đầu tiếp cận với thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ. Đây là những kết quả đáng mừng cho thấy sự nỗ lực của Đảng và nhà nước ta trong thời gian tới thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã đi đúng hướng và cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tình trạng thương lái của một số quốc gia nhất là các nước láng giềng đã sử dụng các thủ thuật có dấu hiệu tiêu cực nhằm phá hoại nền nông nghiệp nước ta, gây bất ổn cho sản xuất nông nghiệp. Mặt khác công tác thị trường về nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản còn yếu.
Nhìn từ đầu năm đến nay nước ta đã thực hiện nhiều cuộc giải cứu nông sản cho nông dân như là dưa hấu, ớt, mía…"Tôi thiết nghĩ đây không phải là sản phẩm chủ lực chẳng lẽ không phải sản phẩm chủ lực mà ngành đã để nông dân lao đao như thế này sao?", ông nhấn mạnh
Đại biểu đề nghị cần nghiêm túc nhìn lại vấn đề xuất khẩu và đặc biệt phải giải quyết cho được nút thắt là tích tụ ruộng đất do sản xuất hàng quá lớn.
"Nhất là sắp tới đây ngày 1/1/2019, luật Quy hoạch đầu tư có hiệu lực thì việc quy hoạch sản phẩm hàng hóa sẽ không còn nữa, hộ sản xuất đều theo tín hiệu thị trường nếu vậy chúng ta mà không có tín hiệu dự báo thông tin thị trường kịp thời cho người nông dân thì sẽ còn phải giải cứu dài dài, nguồi nông dân thì tiếp tục lao đao".
Đại biểu của Tiền Giang cũng nói, dự báo thị trường sản xuất hàng hóa phải như là dự báo thời tiết. "Những năm gần dây dự báo thời tiết đã đi sát với thực tế nhằm giúp người dân khắc phục những thiên tai, lũ bão. Còn dự báo thị trường cũng như thế, có sát với tình hình thực tế chưa tôi xin dành câu hỏi này cho Bộ trưởng Bộ NN và các ngành có liên quan và mong rằng bộ trưởng Bộ NN đưa thêm cái nhất của mình vào ngành đó là dự báo sát tình hình thị trường nhất" - đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói.