Chiều 01/6, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Kết quả xử lý nợ xấu chưa vững chắc, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh
Cho ý kiến về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42, đại biểu Lê Đào An Xuân, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, việc gia hạn lại toàn bộ nội dung Nghị quyết 42 không giải quyết được toàn bộ mục tiêu đặt ra ban đầu của nghị quyết mà chỉ mang tính xử lý tức thời trong thời gian Chính phủ chưa kịp tham mưu để trình Quốc hội các quy định phù hợp với thực tiễn để đảm bảo sửa đổi kịp thời nội dung không còn phù hợp, đảm bảo sự kế thừa liên tục, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát sinh.
Đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị cần xem xét, bổ sung đối tượng điều chỉnh của nghị quyết, trong đó có việc xử lý các khoản nợ xấu mới phát sinh từ sau thời hiệu của Nghị quyết số 42.
"Đề nghị bổ sung các quy định về xử lý đối với các khoản nợ xấu không còn tài sản đảm bảo", đại biểu Lê Đào An Xuân đề xuất và nêu dẫn chứng trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có gần 40% là nợ xấu không còn tài sản đảm bảo để xử lý do doanh nghiệp phá sản… Do đó, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để xử lý, đặc biệt là các loại nợ xấu mang tính đặc thù.
Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị đánh giá, kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua chưa thực sự vững chắc, thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Quốc hội
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng có một số nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên, trong đó một phần đáng kể của dòng tiền dễ dãi đã và đang tìm tới các kênh đầu tư và các nhóm tài sản rủi ro không được khuyến khích. Một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và nhiều tài sản tài chính khác ít hay nhiều, nhẹ hay nặng chắc chắn đã xuất hiện.
Đại biểu đặt câu hỏi liệu có tình trạng dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản tài chính nói chung. Trong khi đó, khu vực kinh tế thực lúc đó đang bị co hẹp, đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng, hoạt động thế nào, liệu nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro này ở mức bao nhiêu và sẽ còn gia tăng như thế nào trong thời gian tới?
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, thu ngân sách Nhà nước từ các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản tăng đột biến, bù đắp rất đáng kể cho những khoản hụt thu từ nhiều lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao ngân sách Nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch.
"Những hệ lụy dễ thấy, dễ hiểu và toàn thị trường tài chính tiền tệ và tổng thể nền kinh tế đã bị bóp méo và đang gia tăng và tích tụ rủi ro, làm tăng tính dễ tổn thương cho hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam", đại biểu nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi gia cố khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu.
Cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu
Cùng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Việt Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang bày tỏ nhất trí kéo dài thực hiện Nghị quyết số 42 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV theo đề xuất của Chính phủ.
Đồng thời, để công tác xử lý nợ xấu trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi tác nghiệp giữa các cơ quan, khắc phục các hạn chế trong triển khai nghị quyết thời gian qua.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, bởi những kết quả nghị quyết mang lại đã chứng minh tính đúng đắn, cần thiết của việc ban hành quy định pháp luật cho công tác xử lý nợ xấu.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang - Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Việt Hà cho rằng, hiện nay việc triển khai nghị quyết còn một số nội dung vướng mắc trong thực hiện, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, như quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, về thủ tục rút gọn thứ tự ưu tiên thanh toán.
Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá các nội dung của Nghị quyết 42 cũng như các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác có liên quan để sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định và hoàn thiện hơn trong công tác xử lý nợ xấu.
Đồng quan điểm, đại biểu Cầm Thị Mẫn, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, theo đó đề xuất những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay.
Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn kéo dài thực hiện nghị quyết cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn đặt ra, đề xuất luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Sáng 24/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trình Quốc hội báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Theo báo cáo, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541,6 nghìn tỷ đồng; nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng; nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là 412,67 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, dữ liệu trên đã cập nhật chi tiết hơn nợ xấu của từng khối.
Cụ thể, khối NHTM nhà nước (bao gồm 04 ngân hàng: NHTMCP Công thương Việt Nam, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, Agribank và 03 ngân hàng mua lại bắt buộc: Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu, Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam) là 278,6 nghìn tỷ đồng.
Khối NHTMCP là 231,1 nghìn tỷ đồng; Khối TCTD phi ngân hàng là 32,05 nghìn tỷ đồng; Khối TCTD hợp tác và tổ chức tài chính vi mô là 1,5 nghìn tỷ đồng; Khối ngân hàng liên doanh là 1,08 nghìn tỷ đồng; Khối ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 1,6 nghìn tỷ đồng; Khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 2,69 tỷ nghìn đồng.
Ngoài ra, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (do Bộ Tài chính quản lý) đến 30/9/2021 là 45,6 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Trong 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý thì xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và hình thức TCTD bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79%). Trong đó: (i) Khách hàng trả nợ: 148,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,28%; (ii) TCTD nhận TSBĐ thay cho nghĩa vụ trả nợ: 3,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,63%; (iii) Bán, phát mại TSBĐ: 8,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,06%; (iv) Bán cho các tổ chức khác: 24,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,29%; (v) Các hình thức xử lý khác: 13,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,86%.
Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%); Xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (không bao gồm hình thức TCTD mua lại khoản nợ xấu từ VAMC), chiếm 21,7%.