Nhìn rượu bia từ một góc khác
Trao đổi với báo Trí Thức Trẻ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc cho biết vấn đề phòng chống tác hại của rượu, bia đang được cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, ông Quốc cho rằng cách đặt vấn đề và góc tiếp cận còn có một số điểm phiến diện và không thực sự phản ánh đầy đủ mọi mặt của sự việc.
Theo ông Quốc, nếu đọc lại lịch sử, ngay khi nhà nước ta mới hình thành đã dành sự quan tâm đến sản xuất rượu, sau này mới là bia. Thời kỳ hòa bình lập lại, người Việt Nam mới có tập quán uống bia. Khi đó người ta còn phải vận động các địa phương uống bia. Bia thời ấy phải pha siro vào mới uống được. Bia là thức uống thâm nhập và Việt Nam và phát triển mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu.
Ảnh: Linh Anh
"Tôi nhớ trong kỳ họp cách đây khá lâu rồi, khi bàn về vấn đề quảng cáo, bàn đến bia, chúng ta nói rằng cái vại bia nó quan trọng như thế nào đối với người lao động, những công nhân mỏ than, công nhân đường xá, những nghề chân tay", ông Quốc chia sẻ.
Trong phần tranh luận trước đó tại Quốc hội, Đại biểu tỉnh Đồng Nai cho biết: "Theo dõi các phiên thảo luận liên quan đến luật này tôi cảm nhận được một điều là chúng ta tiếp cận sai. Lẽ ra chúng ta phải tiếp cận từ văn hoá. Bản báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là nó hơi cực đoan".
Tại sao đưa văn hóa lên "đoạn đầu đài"
Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết gần đây, sự phát triển của kinh tế đi liền với nhu cầu phát triển mới, cùng với đó là những vấn đề xã hội, tác hại tiêu cực của rượu bia cũng xuất hiện. Đó là vấn đề sức khỏe, an toàn.
Theo vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, như cách đặt vấn đề với rượu, bia hiện nay hình như đang né tránh mặt yếu nhất là năng lực quản lý, năng lực kiểm soát. Kiểm soát ở đây, vừa là sự kiểm soát của nhà nước và cũng là sự tự kiểm soát mình của mỗi con người. Giải được bài toán này thì đáp án sẽ bền vững, đồng thời vẫn khai thác được mặt tích cực của bia, rượu trên thị trường cũng như trong đời sống.
"Rượu, bia là một phần văn hóa của cả nhân loại. Tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này? Tôi xin nói tôi sẽ thẩm tra lại một văn bản được được lưu truyền ở Quốc hội do Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam trên bìa đề chữ "Uống rượu, bia có hại cho sức khoẻ". Đấy có phải là thông điệp của thế giới không? Trong khi đó là một văn hoá tồn tại bao nhiêu năm rồi. Nếu còn nhìn ở góc độ đó chúng ta sẽ mãi mãi đi vào sự không thực tế, không khả thi và đi ngược lại xu thế chung", ông Quốc phát biểu.
Cần xử phạt mạnh tay với lạm dụng rượu bia
Trong các báo cáo, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực về sản xuất và tiêu thụ rượu bia. Người ta đánh đồng và coi đó chính là nguyên nhân gây ra những hệ lụy và là tác hại. Tuy nhiên, ông Quốc đặt câu hỏi hai nước số một và số 2 là hai quốc gia nào? Phải chăng đó là Trung Quốc và Nhật Bản. Đây có phải hai nước lạc hậu hay không? Tại sao họ vẫn phát triển tốt, thậm chí còn có những thương hiệu rượu được coi là di sản văn hóa?
Ảnh: Linh Anh
"Vấn đề không nằm ở sản xuất, vấn đề là chất lượng và cách uống. Trước đây, chúng ta có một khái niệm tiếp cận mà tôi cho là tốt hơn đó là ‘chống lạm dụng’ rượu, bia. Đương nhiên, chữ lạm dụng có phần nào không được rõ ràng lắm vì không biết thế nào là lạm dụng", ông Quốc nói.
Với cách tiếp cận hiện tại, ông Quốc cho rằng nó cực đoan và dẫn tới việc không có hiệu quả. Cho rằng đó là những điểm bất hợp lý vì không có tính khả thi, ông Quốc dẫn câu chuyện của thuốc lá như một bài học.
"Rượu bia có những điểm giống thuốc lá nhưng cách tuyên truyền tốt khiến người ta ngại thuốc lá và sợ thuốc lá chứ không phải vì giá sản phẩm cao hơn. Thuốc lá rẻ tiền, thuốc lá lậu có thể đáp ứng được những nhu cầu khi thuốc lá bị đánh thuế và tăng giá. Tuy nhiên, sự tuyên truyền phát huy hiệu quả. Bản thân tôi, trước đây tôi hút thuốc nhiều dù không nghiện nhưng giờ đây tôi hút ít vì thấy có hại", ông Quốc nói.
"Với rượu, tôi cho rằng hết sức cẩn trọng. Nó là một phần văn hóa, quyền tự do của người ta. Vấn đề là ứng xử như thế nào và quan trọng nhất là phải kiểm soát được. Tôi hỏi Tết anh có dâng lên tổ tiên chén rượu hay không, ngày vui có nâng chén rượu hay không. Vấn đề là cách ứng xử của con người ta mới là quan trọng", ông Quốc nói.
Vị đại biểu Quốc hội cũng ủng hộ chế tài mạnh, thậm chí mạnh hơn nữa, để xử phạt người sử dụng rượu, bia vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nguồn gốc của những vi phạm này không phải rượu bia mà do con người.