Công tác chỉ đạo hay chính sách là điểm nghẽn?
Phần trình bài tại hội trường của đại biểu Trần Quang Chiểu sáng nay xoay xung quanh đề nghị sớm sửa đổi bổ sung chính sách thu để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về ngân sách Nhà nước.
Theo ông, trong những năm vừa qua, dù mức dự toán thu ngân sách đều hoàn thành và vượt mức nhưng nếu phân tích kỹ thì vẫn còn nhiều vấn đề cơ bản cần làm rõ, thể hiện ở hai câu hỏi.
Một là tại sao tăng trưởng kinh tế tăng nhanh nhưng thu ở 3 khối DNNN, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt.
Hai là tại sao huy động thuế, phí trên GDP nhiều năm không đạt chỉ tiêu, thậm chí có năm rất thấp.
“Tồn tại trên thuộc về công tác chỉ đạo thực hiện hay chính sách tài khoá mà trực tiếp là chính sách thu về tài chính?”, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đặt câu hỏi.
Chỉ ra những mặt được và chưa được của ngành tài chính, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng gốc rễ vấn đề thuộc về chính sách tài khoá, mà trước hết là chính sách về thu ngân sách. Theo đó, qua trải nghiệm thực tế, ông cho rằng đến nay, nhiều chính sách đã không còn phù hợp, thậm chí là gây trì hoãn cho sự phát triển. Điều này làm phát sinh hai tồn tại gồm: mất đi tính trung lập của thuế - vốn là nguyên tắc quan trọng và làm phân tán nguồn lực, giảm thu ngân sách nhà nước.
Nó được thể hiện ở 6 vấn đề chính. Cụ thể:
Thứ nhất, chính sách thu hiện nay chưa bao quát hết nguồn thu, chưa mở rộng được cơ sở thuế.
Thứ hai, chính sách thu chưa đảm bảo được bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và FDI, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ...
Thứ ba, chính sách thu đang lấy dự án làm đối tượng ưu đãi, tạo kẽ hở cho việc trốn thuế, nợ thuế, chuyển giá.
Thứ tư, chính sách thu đang mang trên mình nó quá nhiều chính sách xã hội làm mất đi bản chất của thuế, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, bị lợi dụng trục lợi, lãng phí nguồn lực quốc gia.
Thứ năm, hình thành quá nhiều các quỹ ngoài ngân sách, có quỹ hình thành như một loại thuế, đặc biệt mức huy động còn cao hơn thuế doanh thu đang thực hiện.
Thứ sáu, thuế suất huy động hiện nay còn bất hợp lý so với khu vực và thế giới.
8 giải pháp khắc phục, tăng thu ngân sách Nhà nước
Những vấn đề, tồn tại trên theo ông Chiểu tập trung ở thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên môi trường... “Dư địa còn rất lớn, nếu khắc phục kịp thời, chắc chắn sẽ huy động vào ngân sách nhà nước từ 22 – 23% GDP”, đại biểu này khẳng định.
Để làm được điều đó, vị đại biểu đoàn Nam Định đưa ra 8 giải pháp khắc phục.
Một là mở rộng diện đối tượng chịu thuế (VAT, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế tài nguyên môi trường,...) và đặc biệt là các khoản thu từ đất đai.
Hai là sửa đổi ưu đãi với hàng hoá chịu VAT theo hướng giảm các đối tượng không chịu thuế và chịu mức 5%, tiến tới đưa về một mức thuế thay vì 3 mức như hiện nay; Giảm đối tượng được hoàn VAT, bổ sung thêm quy định về thời gian hoàn VAT để tránh chậm hoàn thuế, tham ô hoàn thuế.
Ba là bỏ chế độ ưu đãi đối tượng theo dự án. Thuế suất cần tránh chênh lệch về khoảng cách thuế suất giữa các vùng. Cho phép một số địa phương có khoản phụ thu với một số ngành nghề có lợi thế so sánh.
Bốn là sửa đổi cách tính thuế với một số sắc thế để chống thất thu ngân sách.
Năm là điều chính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng có lợi nhuận cao Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng hoặc định hướng tiêu dùng. Áp dụng kết hợp theo tỷ lệ % với thuế suất tuyệt đối cho một số mặt hàng để đảm bảo tính công bằng giữa các hàng hoá chịu thuế.
Sáu là mở rộng cơ sở thuế với Thuế thu nhập cá nhân, tiến tới việc người có thu nhập có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Đồng thời điều chỉnh mức thu phù hợp với nhóm có thu nhập thấp, nhóm này có thể nộp mang tính tượng trưng nhưng phải tăng thu ở nhóm thu nhập cao nhằm điều tiết xã hội.
Bảy là rà soát, bãi bỏ các quỹ tài chính ngoài ngân sách hình thành như một khoản thuế đặc biệt, thu ngay quỹ này về ngân sách Nhà nước để quản lý.
Tám là nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản.