Thưa ông, theo số liệu kinh doanh do Vietnam Airlines công bố, năm 2018 Jetstar đạt tổng doanh thu 8.980 tỷ đồng trong năm 2018 và lãi sau thuế 34,26 tỷ đồng. Tuy nhiên, lỗ lũy kế của Jetstar Pacific vẫn còn rất lớn, khoảng 4.250 tỷ đồng. Ông Lê Hồng Hà, Chủ tịch HĐQT Jetstar Pacific cho rằng các khoản lỗ của Jetstar Pacific là "âm trong kế hoạch". Ông có ý kiến như thế nào về nhận định này?
Tôi cho rằng "âm trong kế hoạch" là lý do bao biện không thể chấp nhận được của Jetstar Pacific. Cần phải nhận thức một cách rõ ràng rằng, hơn 20 năm hình thành và phát triển, cho đến nay, Jetstar Pacific mới chỉ duy nhất 02 năm báo lãi còn lại đều là lỗ và lỗ. Liệu có doanh nghiệp nào "xây dựng kế hoạch lỗ" hơn 20 năm như vậy không. Trong khi đó, khi nào Jetstar Pacific có lãi và hết lỗ lũy kế thì tôi vẫn chưa được nghe bất cứ thông tin nào từ các vị lãnh đạo của Jetstar Pacific.
Jetstar đang có 3 cổ đông chính là Vietnam Airlines (nắm 68,86% cổ phần), Qantas (nắm 30% cổ phần) và Saigontourist (nắm 1,14% cổ phần). Theo ông, các cổ đông hay ai sẽ là chủ thể chịu thiệt hại lớn nhất trong sự thua lỗ kéo dài của Jetstar Pacific?
Nếu nói các cổ đông thì sẽ là cách nhìn nhận sai lầm. Bởi lẽ, Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước nắm 86,16% cổ phần và Saigontourist cũng là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Đặc biệt, 68,86% cổ phần mà Vietnam Airlines đang nắm giữ tại Jetstar là vốn được nhà nước đầu tư từ ngân sách nhà nước và giao cho Vietnam Airlines là chủ thể đại diện nhà nước quản lý vốn.
Như vậy, về bản chất, nhân dân mới là chủ thể chịu thiệt hại lớn nhất trong việc thua lỗ kéo dài của Jetstar Pacific.
Trong các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, theo ông ai phải chịu trách nhiệm lớn nhất, cụ thể như trường hợp của Jetstar Pacific?
Theo tôi, trách nhiệm đầu tiên phải kể đến đó là các lãnh đạo điều hành của Jetstar Pacific. Quả thực, tôi rất bất ngờ trước hiện trạng thua lỗ nhiều năm của Jetstar Pacific. Bởi lẽ, Jetstar Pacific là doanh nghiệp có rất nhiều ưu thế trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không, đặc biệt là từ khi Jetstar Pacific quay trở lại thuộc quyền quản lý của Vietnam Airlines.
Dưới sự bảo trợ của Vietnam Airlines, tôi cho rằng Jetstar Pacific có nhiều lợi thế hơn so với các hãng hàng không khác trong việc tổ chức các hoạt động kinh doanh. Các yếu tố hỗ trợ đã được đảm bảo thì một điều rõ ràng là các cán bộ quản lý của Jetstar Pacific đã đánh giá, hoạch định kinh doanh như thế nào mới dẫn đến "lỗ kế hoạch" nhiều năm như vậy. Trong thời gian tới, chắc chắn tôi sẽ đưa vấn đề này để chất vất các cơ quan chủ quản, quản lý Vietnam Airlines cũng như Jetstar Pacific
Liên quan đến việc bổ nhiệm các lãnh đạo quản lý hãng hàng không như Jetstar Pacific và Vietnam Airlines, ông có đánh giá như thế nào về các quy định của pháp luật hiện hành về việc bổ nhiệm các cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước như Jetstar Pacific và Vietnam Airlines?
Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước nắm 86,16% cổ phần còn Jetstar Pacific là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ tới 68,86% cổ phần, theo đó, khi cử người đại diện quản lý vốn nhà nước tại Jetstar Pacific và Vietnam Airlines cơ quan đại diện vốn Nhà nước (Vietnam Airlines đối với Jetstar Pacific và Bộ Giao thông vận tải đối với Vietnam Airlines) phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Tôi cho rằng, quy định của pháp luật hiện hành đã rất rõ ràng về việc cử người đại diện vốn nhà nước và việc bầu, bổ nhiệm những nhân sự này giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn và quy trình, thủ tục bổ nhiệm.
Tôi cũng đánh giá cao quy định hiện hành khi đưa ra quy định phải "xin ý kiến bằng văn bản của cấp ủy cùng cấp về nhân sự cụ thể dự kiến cử làm đại diện" trong quy trình bổ nhiệm người đại diện. Quy trình này sẽ đảm bảo người đại diện quản lý vốn nhà nước, người quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước là những người có năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, bảo vệ tối đa lợi ích của nhân dân.
Bên cạnh đó, các quy định về đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của người đại diện hàng năm cũng là thước đo quan trọng để đảm bảo thanh lọc đội ngũ nhân sự và góp phần sử dụng hiệu quả hơn vốn đầu tư của nhà nước.
Ông có thể cho biết, theo quy định hiện hành thì như thế nào là người đại diện không hoàn thành nhiệm vụ?
Theo quy định tại Nghị định 106/2015/NĐ-CP, Người đại diện được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ khi vi phạm một trong các tiêu chí sau: (i)Hoàn thành dưới 70% nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch công tác năm; (ii) Không thực hiện hoặc vi phạm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật theo quy định; (iii) Vi phạm kỷ cương, kỷ luật; nội quy, quy chế của tập đoàn, tổng công ty, công ty.
Sau nhiều năm lãnh đạo Jetstar nhưng vẫn để doanh nghiệp này lỗ lớn, nhiều lãnh đạo của Jetstar Pacific đã được cất nhắc và bổ nhiệm ví trí cao hơn tại Hãng hàng không quốc gia là Vietnam. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng có thể đang có sai phạm trong quy trình bổ nhiệm nhân sự tại Vietnam Airlines. Rất có thể, quy trình bổ nhiệm nhân sự quản lý tại Vietnam Airlines đã không xem xét đến hiệu quả trọng hoạt động điều hành của các nhân sự đề cử trước khi bổ nhiệm. Và nếu đây là sự thật thì sẽ là thiếu sót lớn trong quy trình bổ nhiệm nhân sự của Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là nhận định chủ quan, chưa có căn cứ rõ ràng, để có kết luận cuối cùng cần các cơ quan chức năng vào cuộc và đánh giá lại về quy trình đánh giá, bổ nhiệm tại Vietnam Airlines. Với tư cách Đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới tôi sẽ có ý kiến để cơ quan liên quan vào cuộc, xác minh và làm rõ vấn đề này.
Xin cảm ơn ông.