Đáng nói, theo các Đại biểu Quốc hội Việt Nam đang đối diện với cảnh chưa giàu đã già do xu hướng người trẻ ngại sinh, sinh ít hoặc không sinh còn ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn, nơi có trình độ phát triển cao và thu nhập bình quân/ người cao hơn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng tỷ lệ sinh thấp khiến Việt Nam có tốc độ già hoá nhanh hàng đầu châu Á và cảnh báo nhiều hệ luỵ đối với đời sống kinh tế, xã hội và tương lai của đất nước.
"Hàn Quốc và Nhật Bản đang báo động về tình trạng già hoá dân số do người trẻ không sinh con hoặc sinh ít con. Trong báo cáo, các nước nhấn mạnh không có tương lai nếu không có người nhập cư", ông Nhân nói.
Nói thêm về vấn đề này, Đại biểu Trần Kim Yến, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch UBMT Tổ Quốc Việt Nam TP.HCM (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, phải phân tích vấn đề sinh ít ở các thành phố lớn do đâu và tìm giải pháp căn cơ.
Nữ ĐBQH cho rằng, già hoá dân số đang là hiện thực chứ không phải viễn cảnh của Việt Nam, thậm chí "tốc độ già hoá đang diễn rất nhanh, đây là thực trạng đáng báo động", bà Yến cho hay.
Theo bà Yến, các chính sách chúng ta đặt ra là phải thực hiện ngay từ bây giờ bởi việc sinh ít, không sinh bây giờ chưa để lại hậu quả ngay mà phải hàng chục năm sau.
"Phải đến 18 năm sau mới thấy các hiệu quả do một đứa trẻ hôm nay, 18 năm sau mới trưởng thành và là nguồn nhân lực cho đất nước. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cũng phải có chính sách để giải quyết vấn đề này.
Theo bà Yến, "mức thu nhập bình quân người lao động, công nhân là khoảng 8-10 triệu đồng/tháng là nguyên khiến người dân ngại sinh do nhiều bậc phụ huynh không đủ nuôi trẻ.
Tuy nhiên, theo bà Yến "còn có nhiều lý do khác nhau và chúng ta cần giải pháp cụ thể, Chính phủ cũng cần có báo cáo tổng thể hơn".
Theo đại biểu Yến, ngoài áp lực nuôi dạy trẻ, áp lực học hành đối với trẻ em hiện nay rất lớn. Cơ sở giáo dục thiếu thốn, mật độ dân số tập trung đông đúc nội thành khiến nhiều nơi trẻ không được học ở các trường công lập (có chi phí rẻ), bố mẹ phải "chạy", phải "thi" như các con.
"Đến mùa tuyển sinh vào lớp 10 là các bậc cha mẹ rất lo, tìm mọi cách cho các cháu vào giáo dục công lập để tuỳ theo khả năng tài chính của mỗi gia đình.
Theo bà Yến, thực tế giáo dục phổ thông ở TP.HCM và nhiều địa phương bất cấp. "Nhiều phụ huynh cho rằng, thi vào đại học dễ hơn thi vào lớp 10, nhiều phụ huynh nói với chúng tôi là rất vất vả. Đây có phải là gánh nặng nhãn tiền, khiến họ không muốn sinh con".
Bà Yến cho rằng, "Cha mẹ chạy học, các con chạy học, cả xã hội chạy lo sốt vó mỗi mùa thi".
Bà Yến khẳng định xu hướng dạy và học thêm đang rất phổ biến, hiện tượng học ca, học kíp khiến các bậc cha mẹ mệt mỏi. "Chưa hết ca chính, đã đến ca phụ, chưa hết ca chiều, đã đến ca đêm… con đi học, bố mẹ cũng phải đôn đáo đưa đón cùng", bà Yến nêu.
Nữ đại biểu Đoàn TP.HCM cho rằng, xu hướng sinh ít, ngại sinh thậm chí không sinh khiến cho xuất hiện thực tế đáng lo ngại là: Có bộ phận, tầng lớp giới trẻ không muốn lập gia đình, nếu có lập gia đình lại không muốn sinh con, đáng lo hơn là xuất hiện nhiều người trẻ thay vì sinh con lại có sở thích nuôi thú cưng làm niềm vui trong cuộc sống".
Bà Yến đề nghị vấn đề sinh ít, không sinh rất cấp bách, cần có chính sách căn cơ để làm sao không ảnh hưởng bởi tốc độ già hoá dân số đến nền kinh tế và tương lai đất nước.