Ông Nguyễn Văn Tuyết đề nghị bỏ cụm từ "khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi" vì quy định thế không chặt chẽ.
Theo ông Tuyết, nên bổ sung thêm vào luật cấm "cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; người có dấu hiệu say rượu bia" và bổ sung nội dung "sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán rượu bia".
Bà Phạm Thị Minh Hiền nhận xét, nếu không muốn nói là quảng cáo đang tự do đánh tráo khái niệm thì điều này có phần trái với việc nghiêm cấm cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
Một trong những quy định bị đẩy ra khỏi dự luật là cấm bán bia rượu từ 15 độ cồn trở lên trên Internet. ĐBQH Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi: "Tình trạng ngày càng phổ biến của internet và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hóa thì việc bỏ chế định trên có phải là vẽ đường cho hươu chạy?".
Bà Ksor Phước Hà nói: "Các hành vi bị nghiêm cấm, quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên, vậy dưới 15 độ cồn thì sao?". Việc tác hại của rượu bia đối với mỗi người phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người, kể cả khi ta đo nồng độ cồn, cũng một lượng bia, rượu đó vào mỗi người nhưng không phải khi đưa lên máy đo nồng độ cồn thì có kết quả như nhau. Bà Hà kiến nghị, cần điều chỉnh lại số lượng quy định vào tính nồng độ cồn.
Ông Nguyễn Ngọc Phương đề xuất, khoản 1 Điều 28 cần bổ sung hình thức xử phạt, kỷ luật từ xử phạt hành chính đến phê bình, khiển trách buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt hành chính khi uống rượu bia gây tai nạn hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa tới mức truy tố thì thu bằng lái xe từ 1 đến 5 năm hoặc thu bằng vĩnh viễn. Phạt tiền từ 20 đến 100 triệu, tùy theo mức độ vi phạm. Ông Phương cho rằng, luật pháp của chúng ta chưa nghiêm, vì mức độ xử pháp thường rất nhẹ.
Bà Nguyễn Thị Phúc đồng tình với ý kiến của bà Ksor Phước Hà đoàn Gia Lai qua dẫn chứng về khả năng uống rượu bia của mỗi người. Bà cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu và lượng hóa những vấn đề này vào dự thảo luật.
Thực tế, nhiều nơi sản xuất rượu thủ công rất ngon và được coi là đặc sản của vùng miền đó. Theo bà Quàng Thị Vân, nếu như rượu được sản xuất thủ công nhưng đạt các điều kiện về an toàn thực phẩm thì không nên siết chặt như vậy. Trường hợp, rượu không đạt tiêu chuẩn theo quy định về an toàn thực phẩm thì nhất định phải cấm sản xuất, tiêu thụ đối với cá nhân và hộ gia đình sản xuất rượu thủ công đó.
Khoản 6 Điều 10 và khoản 6 Điều 19 quy định trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp không được uống rượu, bia. Ông Hiệp cho rằng khó khả thi: "Trụ sở cơ quan của các tổ chức là nơi làm việc chỉ nên quy định không được uống rượu, bia vào giờ làm việc hành chính. Ngoài giờ người ta có quyền tiếp khách, có quyền giao lưu. Tại sao có thể tránh được vấn đề này?". Ông Hiệp đề nghị không quy định là trụ sở cơ quan nhà nước hay các tổ chức chính trị xã hội cấm uống rượu, bia.
Ông Dương Trung quốc cho rằng, bản báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng "hơi biệt lập", "hơi cực đoan". Ông nói: "Trong di cảo của Bác Hồ có rất nhiều bài thơ rất hay về rượu, "khi nghe tin thắng trận lâng lâng như được uống mấy chén rượu", nó là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này? Trong khi đó là một văn hoá tồn tại bao nhiêu năm rồi. Nếu còn nhìn ở góc độ đó chúng ta sẽ mãi mãi đi vào sự không thực tế, không khả thi và đi ngược lại xu thế chung".