Chiều 6/9, tham gia thảo luận về về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội đã mang theo lá đơn tố cáo sự nhũng nhiễu của một số đoàn thanh tra, kiểm toán để "mách có chứng".
Kỳ vọng của đại biểu Thuý là với việc sửa luật lần này, nhà nước sẽ lập được một cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng bằng nguồn nhân lực rút từ các bộ phận được giải tán khi bỏ điều 71 của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành.
Sự cần thiết phải cơ quan chuyên trách, theo đại biểu là vì quy định về trách nhiệm phòng chống tham nhũng của các cơ quan từ thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát, toà án… đều còn chung chung. Trong khi thực tế ai cũng biết là khả năng tự phát hiện, đấu tranh với tham nhũng trong nội bộ các cơ quan hiện vẫn là khâu yếu. Vì thế cách thức tổ chức để kiểm soát lẫn nhau cần được thiết kế lại khi sửa luật.
Bà Thuý phân tích, lâu nay kiểm toán được coi là một cơ quan tham gia chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực nhưng kết quả kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm nhưng số chuyển điều tra tham nhũng rất ít. Việc phát hiện sai phạm từ nội bộ các cơ quan cũng đều khó khăn.
"Nhiều cơ quan chống tham nhũng vậy nhưng thực tế thời gian qua, tôi nhận được nhiều thư nặc danh tố cáo về hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm toán… " bà Thuý phản ánh và mang ra một lá đơn cụ thể như đã nói trên.
Nữ đại biểu nhấn mạnh mức độ bức xúc của doanh nghiệp khi mà nhận tiền rồi, thanh tra vẫn "gợi ý" ở cơ quan có 2-3 người khác cùng phụ trách vụ việc/địa bàn này nữa, rồi gợi ý là nên có quà mang về cho sếp. Hoặc nếu vi phạm của doanh nghiệp chỉ nhỏ nhỏ, không moi được thì đoàn thanh kiểm tra lại doạ cung cấp thông tin họ có được cho báo chí. Vậy nên kiểu gì doanh nghiệp cũng phải chi tiền.
Đại biểu Thuý cũng dẫn lại chuyện tại một hội nghị diễn ra gần đây, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết là trong 20 ngày của tháng đó, công ty của ông phải tiếp đến 7 đoàn thanh, kiểm tra khác nhau. Doanh nghiệp thậm chí phải lập riêng một bộ phận chuyên để tiếp thanh tra, kiểm toán…
"Nói như vậy để thấy luật này còn thiếu thiếu gì đó để ngăn chặn việc chính lực lượng phòng chống tham nhũng lại đi tham nhũng, cũng giống như thực tế có tội phạm trong chính các cơ quan phòng chống tội phạm đã bộc lộ nhiều thời gian qua", bà Thuý góp ý.
Cùng quan tâm đến tính độc lập để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng cần tính toán để hình thành một cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập độc lập như một số nước khác mà không tăng biên chế. Việc này theo đại biểu là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tán thành ý kiến nên có một cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng như một số nước đã làm, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng "phải có một bàn tay sạch, cương quyết hơn, thể hiện ý chí nhà nước hơn".
Còn cơ quan này thuộc ai, như thế nào thì theo đại biểu là phải tính toán, có sự phối hợp giữa cơ quan Đảng và Quốc hội với cơ quan Chính phủ.
Bởi lẽ thực tế công tác tổ chức cán bộ là công tác của Đảng, do đó nên khi xử lý công việc thì thường vẫn có sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trung ương có liên quan và ngay cả địa phương. Ví dụ giao cho thanh tra cấp tỉnh thì một đồng chí tỉnh ủy viên, đồng chí thường vụ là trưởng một ngành thì việc xử lý này rất khó, đại biểu phân tích.
Phát biểu sau một ngày nghe các vị đại biểu chuyên trách thảo luận, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, đại diện cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) là dự luật hết sức quan trọng và cũng rất phức tạp.
Liên quan đến tính độc lập của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, ông Khái cho rằng về nguyên tắc có cơ quan chuyên trách thì rất tốt. Nhưng hiện nay, trong điều kiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ là không thêm biên chế, nên sử dụng bộ máy này. Khi tính toán lại, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, tỉnh có điều kiện, khả năng để thực hiện nhiệm vụ.
"Hôm nay có ý kiến nói về hoạt động thanh tra, kiểm toán còn để tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh thì đây là điều đáng tiếc. Lãnh đạo chúng tôi kiên quyết phê phán và chống vấn đề này. Và chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều giải pháp", Tổng thanh tra phát biểu.
Sau đó, ông Khái đề nghị: "các vị đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội nếu phát hiện những vấn đề nói trên thì phản ánh cụ thể, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý.".