Sáng 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó có nhiều chính sách mới bổ sung chính sách bảo hiểm, tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm của doanh nghiệp, tình trạng người lao động rút bảo hiểm một lần.
Tại Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội khẳng định nhằm khắc phục tình trạng khó khăn trong việc xác định tính chất, mức độ vi phạm đối với hành vi "chậm đóng bảo hiểm xã hội" và hành vi "trốn đóng bảo hiểm xã hội" để có biện pháp xử lý phù hợp, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như thể hiện tại các điều 37, 38, 39 và 40.
Về chế tài xử lý các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý như quy định tại Điều 39, Điều 40 của dự thảo Luật. Trong đó, chế tài tạm hoãn xuất cảnh quy định theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn do chưa thống nhất với quy định của pháp luật về thuế và chế tài này đồng nghĩa với với việc dừng hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp tới cả doanh nghiệp và người lao động.
Thực tế mặc dù đã thống kê, phát hiện được các trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng đến nay vẫn chưa xử lý hình sự được theo quy định của pháp luật về hình sự; chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu, dứt điểm, nhất là đối với các doanh nghiệp, đơn vị nợ bảo hiểm xã hội đã ngừng hoạt động, đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc người sử dụng lao động bỏ trốn... gây ra rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Bên cạnh đó, có trường hợp người lao động rút sớm bảo hiểm xã hội một lần gây nhiều hệ lụy và quyền lợi của bản thân đã tích lũy sau quãng thời gian lao động lâu năm.
Trong đó, sau khi rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động muốn hưởng bảo hiểm xã hội phải đóng lại từ đầu đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nếu rút bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động chỉ được trả lại bằng 02 tháng lương cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội; không được mua bảo hiểm y tế miễn phí, không được hưởng chế độ miễn 100% tiền khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến;
Không có nguồn tài chính bảo đảm cuộc sống khi về già, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ gia đình; khi mất thì gia đình không được nhận tiền trợ cấp mai táng và trợ cấp hàng tháng.
Về mức trợ cấp 1 lần, theo Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH Hà Giang, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 72 của dự thảo Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, mức trợ cấp 1 lần bằng 0,5 lần mức bình quân tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng bình quân đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014 trở đi.
Do đó, "để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với bảo hiểm xã hội, hạn chế người rút bảo hiểm một lần, bà Hương đề xuất nâng mức trợ cấp 1 lần đối với người tham gia đóng bảo hiểm xã hội 1 lần cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75% và 35 năm với lao động nam và 30 năm đối với lao động nữ", bà Hương nêu.
Đại biểu Hương đề nghị bên cạnh bổ sung các hành vi nghiêm cấm trốn đóng bảo hiểm xã hội, cần bổ sung thanh tra, kiểm tra về xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng gia tăng.
Liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nữ đại biểu Đoàn Hà Giang đề nghị cần có quy định công khai thông tin, số nợ tình hình nợ, thời gian nợ và tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội để người lao động theo dõi, xã hội giám sát lựa chọn tham gia thị trường lao động.
"Nếu không công khai, cũng phải làm sao để người lao động biết được về tình trạng chậm, trốn đóng của doanh nghiệp. Hơn nữa, cũng để tạo ra sự cạnh tranh của thị trường lao động, cạnh tranh doanh nghiệp với nhau, bảo vệ quyền lợi người lao động", bà Hương cho hay.
Theo đại biểu, người lao động rút bảo hiểm 1 lần có nhiều lý do mức lương thấp, hoàn cảnh khó khăn, chưa tin tưởng vào phúc lợi bảo hiểm mang lại hay do lo lắng bị doanh nghiệp cho chấm dứt hợp đồng sớm, không đợi được đến ngày về hưu. Do đó, cần nghiên cứu có các quy định chính sách, cơ chế người lao động tham gia bảo hiểm xã hội để đúng mục đích và nguyên lý của bảo hiểm xã hội.
Về giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 năm quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật, đại biểu Vương Thị Hương khẳng định: Chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển, tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như quy định tại Khoản 5, Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đây là điều mà nhiều người lao động đang rất băn khoăn và lo ngại có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai.
Do vậy, "đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống", bà Hương nêu.