Trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội thứ 7 khóa XIV, rất nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự bức xúc với vấn đề gian lận thi cử nổi cộm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 vừa qua.
Phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận buổi sáng ngày 30/5/2019, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - đoàn An Giang - đặc biệt quan ngại vấn đề gian lận thi cử. Ông Hiếu mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý nghiêm, chỉ ra những sai sót trong kỳ thi vừa qua, và phải có người chịu trách nhiệm cụ thể. Không thể nói đây hoàn toàn là lỗi của một địa phương, bởi nhiều địa phương cũng đã phát hiện ra gian lận thi cử trong kỳ thi vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - đoàn Ninh Thuận thẳng thắn đặt câu hỏi: "Thử hỏi nền giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu khi mà hiện trạng giáo dục thì như vậy, tiêu cực trong giáo dục còn khá nặng nề, cộng với thị trường văn bằng, chứng chỉ giả rất sôi động. Vừa rồi, Công an Hà Nội chỉ bắt một vụ mà thu được cả tấn phôi bằng?".
Ông Cương cho rằng, điều đáng nói là khi làm rõ sai phạm thì việc công khai danh tính những phụ huynh và học sinh liên quan đến sai phạm là cần thiết, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng nhạy cảm, thiếu nhân văn. Ở đây, mất mát lớn nhất chính là đạo đức xã hội.
Về vấn đề này, Đại biểu Thái Trường Giang - đoàn Cà Mau - cho rằng sự kiện gian lận chấn động đã trở thành "giọt nước tràn ly", buộc chúng ta phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả, thực chất của việc nhập hai kỳ thi tốt nghiệp trung học và tuyển sinh đại học.
Bởi lẽ, những tiêu cực trong thi cử không còn diễn ra nhỏ lẻ nữa. Chúng đã chuyển thành hành vi gian lận có tổ chức, quy mô lớn và tinh vi hơn. Gian lận diễn ra không chỉ ở một mà là nhiều địa phương, do những người có chức có quyền, có tiền, có thế lực, trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu: "Năm 2018 xảy ra tình trạng gian lận ở một số địa phương, đặc biệt là khu vực chấm thi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Rà soát lại toàn bộ quy trình thi, chúng tôi đánh giá, về nguyên nhân, phía Bộ Giáo dục và Đào tạo xin nhận trách nhiệm về lỗ hổng kỹ thuật phần mềm chấm thi, dẫn đến kẻ xấu lợi dụng làm sai lệch kết quả thi. Thứ hai là công tác quán triệt quy chế thi và hướng dẫn nghiệp vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương, nhất là khâu chấm thi. Thứ ba là công tác thanh kiểm tra chưa thực sự sát.
Còn về phía địa phương, ban chỉ đạo thi cũng như hội đồng thi cấp địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đặc biệt là trong công tác chọn cán bộ tham gia chấm thi, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dẫn đến chủ động thông đồng, kết nối với nhau để gian lận".
Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh gian lận thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn thanh kiểm tra có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng, hai bộ phối hợp điều tra xác minh và bước đầu đã có kết quả. Các em nâng điểm đã trả lại điểm thật và nếu không đủ điểm trả về địa phương. Các đối tượng đã bị khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.
Song, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - đoàn An Giang mặc dù rất chia sẻ với những khó khăn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng ông cho rằng trong bài phát biểu của Bộ trưởng Nhạ chưa đề cập tới giải pháp giải quyết quyền lợi của những học sinh đã bị tuột mất cơ hội. Ông nói: "Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đã loại các thí sinh gian lận phải có giải pháp để gọi và công nhận lại các cháu học sinh bị mất cơ hội. Số lượng loại ra đã có, số các cháu bị mất cơ hội có thể tính được, nên phải đảm bảo sự công bằng cho các cháu học thật nhưng đã bị mất cơ hội vì việc gian lận vừa rồi".