Tăng thu nhập để giảm tham nhũng
Sáng 01/6, tại phiên Quốc hội thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho rằng, tình trạng tham nhũng tiêu cực vẫn còn nhức nhối, gây ảnh hưởng lớn đến phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Theo đại biểu đoàn Tây Ninh, trong những tháng vừa qua, do phải tập trung vào việc phòng chống dịch, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng kẽ hở "đục nước béo cò", tiếp tay cho buôn lậu xăng dầu, hàng lậu, thao túng thị trường trái phiếu, chứng khoán, thao túng thị trường bất động sản thông qua đấu giá, nâng giá; thao túng thị trường vật tư y tế, thuốc chữa bệnh và xây dựng cơ sở khám chữa bệnh…
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương kiến nghị tiếp tục có những biện pháp về pháp luật, hành chính, kinh tế đủ mạnh để ngăn đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp cả ở khu vực công và khu vực tư.
Đại biểu đề nghị đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, trong đó có vai trò người đứng đầu. "Còn tình trạng đùn đẩy, ngại khó, ngại khổ, mưu cầu lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân và che đậy tinh vi hơn ở một bộ phận cán bộ quản lý". Bên cạnh đó cần tiếp tục các biện pháp phòng, chống và tổ chức đấu tranh hiệu quả tham nhũng, lành mạnh hóa bộ máy nhà nước và doanh nghiệp, cả khu vực công và tư.
Theo đại biểu Phương, một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với cán bộ công chức, viên chức, là thu nhập phải đảm bảo cuộc sống. Đại dịch vừa qua có nhiều cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động bị ảnh hưởng, khó khăn trong cuộc sống nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng.
"Thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp đã và đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức. Tôi kiến nghị nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động khu vực này. Đây là khoản đầu tư cho nguồn lực con người, đầu tư cho sự phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng, làm động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội ở nước ta", đại biểu Phương nêu ý kiến.
Các gói hỗ trợ còn giải ngân chậm
Tham gia thảo luận, nêu ý kiến về gói hỗ trợ, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho biết, vấn đề chậm giải ngân thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết được thảo luận và thông qua khẩn trương, nhưng khi triển khai thì tiến độ rất chậm.
Việc giải ngân vốn đầu tư công cũng chậm và không đạt kế hoạch, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.
Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này.
Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85 %, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%.
"Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách Nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả", bà Yên lưu ý.
Bên cạnh đó, tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay phải chịu lãi suất phí quản lý, do đó, vấn đề giải ngân chậm tiến độ, chậm sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn.
Từ đó, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, việc tăng cường kiểm soát chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về việc triển khai chậm trễ này là việc làm cần thiết để các quyết sách của Nhà nước thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.