Tuy còn một số tồn tại nhất định trong đầu tư công, nhưng theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần nhìn nhận, trong những năm gần đây khi chúng ta quyết liệt chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì đầu tư công cũng đã phát huy được hiệu quả.
Đầu tư công trong thời gian vừa qua đã góp phần cho tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững. Việt Nam đã giảm nợ công được từ 63,7 xuống 55%.
Về kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025, đại biểu này cho rằng kế hoạch này phải đồng bộ với kế hoạch kinh tế - xã hội cũng như kế hoạch tài chính, hướng đến mục tiêu Việt Nam sẽ là một nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Cụ thể, ông Ngân tính toán: Nếu chúng ta đầu tư công 2.870.000 tỷ đồng, thì kế hoạch chi ngân sách của chúng ta trong giai đoạn này sẽ lên con số là 10.200.000 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch chi sẽ gấp 1,3 lần so với giai đoạn trước và dẫn đến bội chi khoảng 1.960.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% GDP.
"Vấn đề ở đây là chúng ta phải tính xem bội chi này chúng ta lấy ở đâu?" - Đại biểu đoàn TP. HCM đặt câu hỏi. "Nhà nước đang tính chúng ta sẽ vay khoảng 1.700.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương sẽ vay 148.000 tỷ đồng, chúng ta phải lo thêm khoản nữa là nợ cũ đến hạn là khoảng hơn 1.000.000 tỷ đồng nữa. Như vậy, chúng ta phải tính toán kế hoạch trả nợ, chúng ta phải tính toán thêm kế hoạch nguồn thu ngân sách và khả năng hấp thụ vốn".
Trên cơ sở đó Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất:
Hiện nay, ngân sách đã phân bổ là 2.323.014 tỷ đồng, còn một khoản chưa phân bổ là 396.985 tỷ đồng. Ông Ngân ủng hộ tỷ lệ các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm 12,6% trong tổng chi đầu tư, thu chiếm 4,4%; Đồng bằng sông Hồng chi chiếm 28% trên tổng chi và thu là 35,8%; Tây Nguyên lần lượt là 5,5% và 1,6%; Bắc Trung Bộ duyên hải 18,7% và 11,8%; Đồng bằng sông Cửu Long 15,76% và 7,2%.
Riêng đối với Đông Nam Bộ, dự kiến chi đầu tư chiếm 19,37% tổng chi và thu chiếm 41,2%, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết ông muốn "xin thêm". "Xin thêm như vậy lấy ở đâu?" - ông Ngân nhắc lại khoản 396.985 tỷ đồng chưa phân bổ. Ông đề xuất dành một nguồn lực nhất định, khoảng hơn 100.000 tỷ đồng cho 3 chương trình góp phần giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
"Còn lại khoảng 296.000 tỷ đồng, tôi đề nghị Quốc hội chúng ta quan tâm đến khả năng trả nợ. Để lo được khoản trả nợ, không đổ vỡ tài chính, an ninh quốc gia thì nên ưu tiên cho chỗ nào có khả năng tạo ra tiền, theo hệ số đòn bẩy chi ngân sách nhà nước" - ông Ngân nhận định. "Mấy ngày nay, tôi tính hệ số này bình quân cả nước là 0,81; đồng bằng sông Hồng là 2,06; Bắc Trung Bộ, Duyên Hải là 0,97, Đông Nam Bộ là 3,45, Thành phố Hồ Chí Minh 5,2, Hà Nội 2,64, Bình Dương 2,9, Đồng Nai 2,39, Vũng Tàu 3,66... Cho nên tôi thiết nghĩ nên lo khoản này trước thêm một khoản nữa để cho Đông Nam Bộ có nguồn thu".
Điểm thứ hai, là để giảm lãi vay trên thị trường. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội quan tâm đến đầu tư cho 2 trung tâm, thứ nhất là Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho rằng 2 trung tâm này nếu ra đời có thể giải quyết được bài toán về lãi suất.