Nêu quan điểm về dự án đường cao tốc Bắc – Nam đoạn phía Đông, đại biểu Trần Hoàng Ngân tỏ ra đồng thuận vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất nó sẽ góp phần vào 3 đột phá chiến lược cho nhiệm vụ kinh tế xã hội, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Thứ hai giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại, góp phần phát triển ngành du lịch được xem là kinh tế mũi nhọn cùng đảm bảo an ninh quốc phòng. Thứ ba là giúp khắc phục hạn chế giao thông hiện nay.
Vì nguồn vốn có hạn nên việc chọn 4 đoạn đường với chiều dài 654km đi qua 13 tỉnh thành thực hiện trong giai đoạn 1 (2017 – 2020) là hợp lý. Theo phương án trình lên, dự án có tổng vốn đầu tư là hơn 118 nghìn tỷ, chia ra làm 3 dự án đầu tư công (khoảng 124 km) và 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT (khoảng 530 km).
Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích, đại biểu Ngân muốn ban soạn thảo giải trình thêm một số vấn đề.
Thứ nhất là giá trị hiện tại ròng hiện đưa ra con số 12.893 tỷ. “Tôi nghĩ con số này chưa rõ vì thể hiện trên trời quá. Cái này chỉ cần dương thôi nhưng ở đây lên đến 12 nghìn tỷ, chưa rõ tính toán như thế nào. Mấy ngày nay tôi tính mà không tính ra”, đại biểu cho biết.
Ông Ngân cũng lưu ý ban soạn thảo dự án tiền khả thi phải tính thêm độ nhạy của dự án. “Trong tài liệu dù rất trình bày rất nhiều nhưng độ nhạy thì chưa có”, ông nói. Bởi lẽ, theo ông với một dự án đầu tư trong dài hạn lên đến 20 năm thì rủi ro (lạm phát, lãi suất, thu phí, thiên tai…) là rất nhiều, tác động đến thi công nên cần phải tính toán kỹ.
Đại biểu Hoàng Ngân cũng lưu ý cần tăng cường giám sát chất lượng công trình nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo công khai, công bằng, vì nó liên quan trên 8.000 hộ trong đó có hơn 2.000 hộ tái định cư nên phải đảm bảo tính minh bạch.
Song song, cần công khai sớm giá dịch vụ dự kiến để nhận được ý kiến phản hồi của nhân dân, hiệp hội vận tải. Hiện giá khởi điểm 1.500 đồng/km trong 2 năm đầu tiên thì xem xét ý kiến cho hiệu quả.
Đại biểu cũng nói rằng BOT dù là giải pháp hiệu quả nhưng đã phát sinh nhiều nhược điểm, một số công trình gặp sự phản đổi lớn nên cần hết sức lưu ý, đảm bảo khắc phục tồn tại.
“Đề nghị Bộ GTVT cần có báo cáo cho QH những kinh nghiệm triển khai BOT trong thời gian vừa qua để chúng ta sớm khắc phục”, ông nói.
Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng tỏ ra băn khoăn với với việc vay vốn của 8 dự án thực hiện theo hình thức BOT.
Theo đó, vốn nhà nước đầu tư là 40.363 tỷ và vốn xã hội hoá gồm: vốn chủ sở hữu doanh nghiệp là 12.743 tỷ và vốn vay là 50.973 tỷ đồng. Con số hơn 50 nghìn tỷ khiến đại biểu đặt ra câu hỏi là ai sẽ đứng ra vay vốn bởi nếu nhà đầu tư vay thì tỷ số nợ sẽ lên đến 4 chấm.
“Nếu người vay lấy dự án đó làm tài sản đảm bảo nhưng trong đó vốn nhà nước có đến 40 nghìn tỷ liệu có được không?”, ông hỏi.
Ông cho rằng cần có chính sách ví dụ như dưới hình thức đồng tài trợ do 1 ngân hàng (có vốn nhà nước lớn) đứng ra đảm bảo vay được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo nhiều mặt cho 8 dự án. Mặt khác, cũng nên tổ chức đấu thầu cho vay dự án để tìm tìm ra đơn vị cho vay lãi suất thấp, góp phần kéo giảm chi phí đầu tư.