Cuộc chiến phá giá không thấy đáy giữa các hãng xe điện Trung Quốc tại thị trường Thái Lan đang gây ra những hậu quả ngoài sức tưởng tượng. Theo một nguồn tin của trang tin “Prachachat Business”, tình hình căng thẳng đến mức các quan chức cấp cao trong Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan đã phải có một cuộc gặp với đại diện các hãng xe điện Trung Quốc để thảo luận về chiến lược hoạt động kinh doanh tại quốc gia này.
Các công ty ô tô tham gia cuộc thảo luận này với Đại sứ quán Trung Quốc bao gồm hãng MG, Great Wall Motor, Neta, BYD, Changan, AION, OMODA & JAECOO, và Zeekr.
" Chúng ta phải thừa nhận rằng thị trường ô tô, đặc biệt là phân khúc xe điện Trung Quốc, đã khá hỗn loạn. Các nhà điều hành đã cạnh tranh bằng cách phá giá mạnh, ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh tổng thể của ngành ," nguồn tin cho biết.
Nguồn gốc của vấn đề này bắt nguồn từ các chính sách khuyến khích xe điện dẫn đến nhiều đối thủ tham gia thị trường. Một điều trùng hợp là tình hình thị trường xe điện hiện tại đang xấu đi nghiêm trọng do sức mua yếu và các chính sách cho vay chặt chẽ từ các tổ chức tài chính, khiến thị trường Trung Quốc co lại chưa từng có.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu phải đối mặt với các vấn đề địa chính trị. Dự kiến tình trạng chiến tranh giá có thể kéo dài đến cuối năm hoặc lâu hơn, đây là vấn đề cần giải quyết khẩn cấp. Các yếu tố trên gây ra tình trạng dư thừa quá mức cho các công ty xe điện Trung Quốc và buộc họ phải tìm cách nhanh chóng đẩy hàng tồn kho ra mọi thị trường có thể - điển hình như Thái Lan.
Điều này buộc giám đốc điều hành của các hãng xe điện phải cạnh tranh quyết liệt, và nếu họ muốn giải phóng hàng tồn kho nhanh chóng, giải pháp dễ dàng nhất là giảm giá bán thật sâu. Tuy nhiên điều này lại đang gây nên các hậu quả ngoài dự tính cho chính các hãng xe điện Trung Quốc đang hoạt động tại thị trường này.
Một trong ví dụ điển hình là hãng BYD. Cho dù đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện khổng lồ tại Thái Lan, nhưng việc giảm giá quá nhanh – lên đến 30% chỉ sau một năm cho một vài mẫu xe – đã khiến người dùng nổi giận. Việc cắt giảm giá quá nhanh đã khiến người dùng phản ứng bằng cách dừng mua xe mới để chờ hạ giá. Tồi tệ hơn, chính sách chiết khấu và phá giá quá sâu đã khiến BYD bị Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng Thái Lan vào cuộc và tiến hành điều tra hành vi này.
Bên cạnh đó, việc các hãng xe điện Trung Quốc đổ bộ ồ ạt và cạnh tranh bằng cách phá giá còn gây ra các hậu quả khác cho nền kinh tế Thái Lan. Kể từ khi các nhãn hiệu xe điện Trung Quốc đổ bộ vào quốc gia này, doanh số các xe xăng truyền thống sụt giảm trầm trọng buộc các hãng Suzuki và Subaru thông báo đóng cửa nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Lan. Điều này tác động dây chuyền đến cả chuỗi cung ứng tại nước này khi có đến hơn 2.000 nhà máy bị đóng cửa trong năm 2023.
Nếu nhìn ở một góc độ lớn hơn, cuộc chiến phá giá này không chỉ ảnh hưởng tới riêng Thái Lan mà còn có thể tác động đến toàn ngành xe điện. Khi chỉ cạnh tranh bằng giá, yếu tố chất lượng và độ an toàn có thể sẽ bị cắt giảm - đặc biệt đối với các hãng xe nhỏ.
Do vậy, nhiều khả năng chỉ cần một lượng nhỏ các xe điện chất lượng thấp tràn ra từ Trung Quốc cũng sẽ làm tổn hại đến toàn bộ ngành. Cũng tương tự như việc các sự cố của những nhà máy điện hạt nhân đã làm người dùng hiểu nhầm về mức độ an toàn của lĩnh vực này – các xe điện chất lượng thấp có thể làm người dùng quay lưng với những phương tiện thân thiện môi trường trong ngắn hạn.
" Vẫn còn nhiều vấn đề sẽ xảy ra, đặc biệt là khi các thương hiệu Trung Quốc mới sẽ gia nhập thị trường vào cuối năm nay. Trong khi đó, lợi nhuận của các đại lý từ việc bán xe đã giảm đáng kể do chiến tranh giá. Giờ đây, vấn đề là ai có đường băng tài chính dài hơn vì một doanh nghiệp mà mọi người đều thua lỗ sẽ không tồn tại lâu dài ."
Một nguồn tin khác tiết lộ rằng trong cuộc thảo luận này, các nhà điều hành ô tô Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc đã cùng nhau tranh luận về nhiều vấn đề, đặc biệt là chiến lược tiếp thị dài hạn tại Thái Lan, để đảm bảo cạnh tranh phù hợp nhất mà không cần đến chiến tranh giá, nhằm xây dựng niềm tin và sự bền vững trong tiếp thị.
Hầu hết các nhà điều hành đề xuất phản ánh lại với đại sứ quán và chính phủ Trung Quốc để thúc giục các công ty mẹ của từng thương hiệu về chính sách chiến tranh giá và việc đổ hàng tồn kho xe sản xuất vào Thái Lan.
Cuối cùng, tất cả các thương hiệu sẽ phải cạnh tranh bằng cách giảm giá, điều này không phải là cách tiếp cận kinh doanh bền vững. Các nhà điều hành không muốn lặp lại tình huống trên thị trường xe điện Trung Quốc, nơi giá bán sụp đổ, gây ra sự biến dạng thị trường do vấn đề cung vượt cầu.