Tờ SCMP cho hay cuộc cạnh tranh sầu riêng tại Trung Quốc đang diễn ra cực kỳ sôi động. Thị trường sầu riêng lớn nhất thế giới trên đang khiến sản lượng nông sản này dự kiến tăng tới 10% vào năm 2030, trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc săn lùng sầu riêng .
Trong khi Philippines và Malaysia đang chuẩn bị để đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc thì ngôi vương Thái Lan lại có nguy cơ bị Việt Nam chiếm mất.
Năm 2021, Thái Lan xuất khẩu hơn 800 nghìn tấn sầu riêng sang Trung Quốc thì Việt Nam chỉ có 5 nghìn tấn. Thế nhưng trong năm 2023, Thái Lan xuất khẩu hơn 900 nghìn tấn thì Việt Nam đã đạt 500 nghìn tấn, chiếm 32% thị phần.
Trong cả năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu đến 1,4 triệu tấn sầu riêng từ nước ngoài.
Tờ SCMP thậm chí cho hay trong 5 năm tới, cả 3 nước là Việt Nam, Philippines lẫn Malaysia có khả năng sẽ tranh giành ngôi vị xuất khẩu sầu riêng số 1 vào Trung Quốc thay Thái Lan.
Báo cáo của USD Analytics cho thấy thị trường sầu riêng quốc tế dự kiến tăng trưởng 7,51% trong khoảng 2023-2030. Trong khi đó báo cáo của Research and Markets thì nhận định thị trường nông sản này sẽ tăng trưởng 9,77% mỗi năm từ nay đến năm 2030.
Số liệu của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) cho thấy Trung Quốc hiện chiếm đến 95% thị phần sầu riêng quốc tế, một lợi thế cực kỳ lớn cho các nước láng giềng Châu Á.
Dẫu vậy, nhu cầu sầu riêng ở Trung Quốc vẫn vô cùng lớn khi giá bán lẻ nông sản này được cho là còn quá cao so với nhiều người tiêu dùng .
"Cho đến hiện tại thì giá sầu riêng vẫn khá cao, chứng tỏ thị trường chưa hề bão hòa. Nếu Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu thì giá sẽ còn hạ thấp nhằm đáp ứng nhu cầu người dân", giáo sư tài chính Zhao Xijun của trường đại học Renmin University nhận định.
Vua trái cây
Theo SCMP, nhu cầu sầu riêng ở Trung Quốc lớn đến mức nông sản này được mệnh danh là "vua trái cây" mới ở thị trường này, thay thế cho đào, nho trước đây trong các rỏ quà biếu.
Dù có mùi nặng nhưng mỗi phần sầu riêng tại Trung Quốc có giá lên đến 200 Nhân dân tệ, tương đương 28 USD hoặc 700 nghìn đồng.
Thậm chí có trường hợp như bà Zhao Yu, một giáo sư tài chính 37 tuổi ở Thượng Hải đã phải trả 400 Nhân dân tệ, tương đương 1,4 triệu đồng cho một hộp sầu riêng hạng sang.
"Nếu giá sầu riêng rẻ hơn thì có lẽ tôi sẽ mua thử chúng, nhưng mức giá hơi cao này thì có nhiều lựa chọn rẻ hơn", bà Zhao nói.
Đồng quan điểm, bà Wang Hui sống tại Bắc Kinh cho biết mức giá sầu riêng hiện khá cao và chất lượng không ổn định tùy theo mùa. Bởi vậy khi nghe tin Trung Quốc nhập khẩu thêm sầu riêng từ Việt Nam, Malaysia, Philippines, người phụ nữ 44 tuổi này đã rất vui mừng.
"Giá sầu riêng hiện quá cao nên nếu chọn nhầm quả hỏng thì tâm trạng người mua sẽ rất tệ", bà Wang nói.
Hiện Việt Nam, Philippines và Malaysia đang nhắm đến chiếm 68% thị phần sầu riêng ở Trung Quốc từ tay Thái Lan.
Mặc dù sầu riêng trở thành vua trái cây trong các rỏ quà tặng mẹ mới sinh, mua nhà mới hay các dịp lễ tết nhưng SCMP nhận định thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng và chưa phát triển hết. Chuỗi cung ứng, vận chuyển sầu riêng sang Trung Quốc từ Đông Nam Á chưa được hoàn thiện để giảm giá hiệu quả khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Malaysia mới chỉ được bán sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc và nước này đang cố đàm phán trong năm 2024 để được bán sầu riêng tươi như Việt Nam.
Bộ nông nghiệp Malaysia cho biết họ dự kiến tăng sản lượng xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc từ 236 tấn năm 2018 lên 22.000 tấn năm 2030.
Tại Philippines, chính phủ cũng đang cố gắng mở rộng quy mô trồng sầu riêng từ 1.200 ha lên 3.000 ha ở Mindanao. Hiện sầu riêng nước này chỉ chiếm chưa đến 1% thị phần xuất khẩu vào Trung Quốc năm 2023.
Theo SCMP, miền bắc Trung Quốc vẫn có thể hấp thụ thêm sầu riêng nhập khẩu và thị trường còn rất lớn với các nhà cung ứng Đông Nam Á. Đó là chưa kể đến việc mở rộng sang các mảng chế biến sầu riêng thành đồ ăn vặt, nước uống... để phục vụ 1,4 tỷ người tiêu dùng .
Giáo sư Zhao của đại học Renmin cho hay thị trường Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa khai phá hết với nguồn cung ứng từ Đông Nam Á, qua đó tạo sức hút cho nhiều nước tăng cường phát triển nông sản này.
Đồng quan điểm, phó chủ tịch Victor Gao của Trung tâm quốc tế Trung Quốc (CCG) nhận định mạng lưới thương mại điện tử (TMĐT) và giao hàng phát triển ở Trung Quốc sẽ khiến lượng tiêu thụ sầu riêng tăng mạnh trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cả nước.
*Nguồn: SCMP