Việt Nam đã có những phản ứng chính sách phù hợp và phương án xử lý tốt đối với khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây là khẳng định của đại diện của WB Việt Nam cũng như thế giới.
Đứng vững trước đại dịch
Mặc dù Việt Nam vẫn có nguy cơ đáng kể với dịch cúm Covid-19 và những xáo trộn hiện nay trên thị trường tài chính toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020.
Đây là khẳng định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19 vừa được công bố chiều 31/3.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, thế giới đang ở trong một thời kỳ rất ấn tượng, tất cả các nước phải hy sinh tăng trưởng kinh tế để đối phó với dịch bệnh Covid-19, mọi người được yêu cầu cách ly ở nhà để cứu mạng sống và chống lại đại dịch.
Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện đối mặt với cuộc chiến thương mại toàn cầu và sắp tới là hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Ở thời điểm hiện tại, còn quá sớm để dự báo hậu quả. Việt Nam có thể mất tới 3-5 điểm tăng trưởng nếu không có biện pháp mạnh mẽ.
Dù vậy, theo ông Ousmane Dione, riêng với Việt Nam, dự báo trong trung hạn vẫn rất thuận lợi nhờ hưởng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA… cho dù rủi ro là rất lớn nếu dịch bệnh kéo dài. Khi đó, sức cầu sẽ rất thấp, thương mại đình trệ.
Theo ông Jacques Morisset, kinh tế trưởng WB Việt Nam, phản ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua là rất phù hợp. Và đây là ý kiến không chỉ của ông mà còn là đánh giá trên thế giới.
Việt Nam được đánh giá cao về phản ứng chính sách đối với khủng hoảng kinh tế và y tế do dịch Covid-19. |
Theo đó, Việt Nam đã có những phương án tốt đối với khủng hoảng. Jacques Morisset trích dẫn đánh giá trên tờ Financial Times cho biết, Việt Nam đã kiên quyết và sớm hành động ứng phó khi mà khủng hoảng y tế diễn ra. Việt Nam đã có những hành động bảo vệ các người dân và doanh nghiệp như cho hoãn nộp thuế, hoãn trả nợ, hoãn nộp bảo hiểm xã hội…
Cũng theo đại diện WB, Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng và quản lý ngân sách rất tốt. Việt Nam có ngân sách dự phòng 5% và giờ đây đã phát huy tác dụng, mang lại rất nhiều lợi ích khi xử lý khủng hoảng. Nhiều chính phủ nước khác không có khoản ngân sách dự phòng này.
Theo WB, Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất từ kinh tế đối ngoại, xuất khẩu và dòng vốn FDI đều giảm trong tháng 3 và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các tháng tới. Tăng trưởng GDP trong quý 1 cũng chỉ còn 3,82%, nhưng đây là con số tốt hơn nhiều các nước khác trên thế giới.
Ở Việt Nam, nhiều ngành có khả năng chống chịu tốt như chế tạo, xây dựng… Ngành tài chính cũng chống chịu tốt và có chính sách phù hợp. Đầu tư đang được đẩy mạnh, nhất là đầu tư công. Kinh tế dự báo sẽ hồi phục từ quý 3 trở đi và tăng trưởng GDP cả năm ước tính đạt khoảng 5%. Trong trường hợp xấu, dịch Covid-19 kéo dài tới cuối năm, tăng trưởng sẽ đạt khoảng 1,5%.
Tăng trưởng GDP theo giá so sánh (WB). |
Tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng trong ngắn hạn
Theo dự báo của WB, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 4,9% trong năm 2020 và tăng mạnh trở lại ở mức 7,5% trong năm 2021 và 6,5% trong năm 2022. Tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đạt tương ứng 2,6% và 2,8% trong 2020 nhưng sẽ tăng vọt lên 8,8% và 8,5% trong năm tới.
Lạm phát trong khi đó vẫn ổn định, ở mức 3,5% trong 2020, 3,7% trong năm 2021 và 3,6% trong năm 2022. Cân đối tải khoản vãng lai âm 1,5% (so với GDP) trong 2020, trở lại mức dương 1% và 1,2% trong 2021 và 2022.
Các số liệu nhìn chung khá tích cực, nếu so với các dự báo suy giảm tăng trưởng nghiêm trong của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Ousmane Dione, Việt Nam nên có thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn, như đẩy mạnh giải ngân đầu tư (nhất là đầu tư công) để tạo việc làm và tăng thu nhập, giúp Việt Nam chuẩn bị dự án đầu tư tốt cho trung hạn.
Ông Jacques Morisset thì cho rằng, Việt Nam đã làm tốt việc bảo vệ người dân trước khủng hoảng kinh tế, hỗ trợ tốt doanh nghiệp và công tác làm ngân sách tốt, đồng thời cũng đã làm tốt công việc xóa đói giảm nghèo, dự trữ ngoại hối tốt trong thời gian qua. Nhưng cũng cần đẩy mạnh thêm việc bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức (ít được hưởng lợi hơn từ các chính sách vừa qua) thông qua các chính sách có thể như giảm hóa đơn tiền điện, nước, viễn thông…
World Bank dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát... của Việt Nam. |
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần quan tâm tới việc tìm giải pháp để có thêm ngoại tệ nhiều hơn nữa. Trong vài năm qua, thặng dư ngoại tệ của Việt Nam khá ổn, nhưng chỉ là tạm thời. Giờ xuất khẩu đi xuống, FDI và FII cũng suy giảm do vậy ngoại tệ sẽ ít hơn.
Trong lĩnh vực tài chính, đại diện WB cũng khuyến nghị Việt Nam thận trọng hơn trong việc hỗ trợ bằng cách hỗ trợ thêm tín dụng cho những đối tượng bị tổn thương vì dịch bệnh. Trong nhiều trường hợp, họ có thể không trả được nợ, tạo ra nợ xấu và gây bất ổn cho khu vực ngân hàng.
Theo đánh giá của WB, triển vọng trung hạn của Việt Nam nhìn chung thuận lợi, nhưng đang xuất hiện nhiều rủi ro theo hướng suy giảm, gắn với tác động bất lợi lớn kéo dài của dịch cúm Covid-19, sức cầu bên ngoài yếu đi và những cải cách cơ cấu chưa hoàn tất. Nhưng nhìn theo hướng tích cực, Việt Nam đang có vị thế vững chắc để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực trong giai đoạn dự báo.
Theo WB, trong điều kiện hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm Covid-19. Các ngành chế tạo chế biến, du lịch và vận tải suy giảm đột ngột trong hai tháng đầu năm 2020. Việt Nam đã bắt đầu “nếm đòn” từ sự biến động khôn lường của nền tài chính toàn cầu hiện nay, giá cổ phiếu tụt dốc, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên, và dòng vốn đầu tư suy giảm. Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững: trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng 8%, dòng vốn FDI đổ vào lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%. Với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra.
M. Hà