Đầu tháng 8, CEO của "Big Four" giới công nghệ, gồm Amazon, Apple, Facebook và Google đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Sự kiện này đánh dấu chiến thắng cho một phong trào mới của các học giả chống độc quyền, những người đã làm hồi sinh cuộc tranh luận về sức mạnh kinh tế tập trung ở Mỹ. Các nhà quản lý đã chỉ trích mạnh mẽ cách các nền tảng công nghệ lớn lạm dụng vị trí của họ để xâm phạm quyền riêng tư của người dùng, loại bỏ hoặc mua lại các đối thủ cạnh tranh, chèn ép các nhà cung cấp và đối tác - những hành vi mà cuối cùng gây thiệt hại cho sự đổi mới và làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng.
Những vấn đề này chỉ trở nên tồi tệ hơn lúc đại dịch xuất hiện, khi các doanh nghiệp nhỏ chịu thiệt hại về kinh tế, mô hình làm việc từ xa thay đổi và ngành bán lẻ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ do một số công ty sản xuất. Giá trị thị trường của Big Four, cùng với Microsoft, Netflix và Tesla, đã tăng thêm 291 tỷ USD chỉ trong một ngày vào tuần trước. Sự nguy hiểm từ việc thống trị của "Big Tech" (những gã khổng lồ công nghệ) hiện nay còn sâu sắc hơn so với vài tháng trước.
Nhưng phiên điều trần cũng có thể gây ra những hệ lụy không đáng có khi gắn các vấn đề tập trung kinh tế với chỉ riêng "Big Tech". Sự thật là, kể cả nếu Quốc hội Mỹ ra sắc lệnh giải tán cả bốn gã khổng lồ công nghệ, Mỹ vẫn sẽ có một số lượng đáng kinh ngạc các ngành công nghiệp được kiểm soát bởi một số lượng nhỏ các công ty.
Các nhà lập pháp và công chúng nên quan tâm đến các mạng lưới giám sát mà Facebook và Google – những công ty thống trị thị trường quảng cáo kỹ thuật số - dùng để theo dõi người dùng, xây dựng hồ sơ dữ liệu trên đó và phục vụ quảng cáo tùy ý. Nhưng hàng triệu người Mỹ sống ở nông thôn không thể truy cập internet, một phần vì các công ty viễn thông xung đột với nhau và khiến các cơ quan lập pháp nhà nước thông qua luật hạn chế băng thông rộng thành phố. Trên khắp nước Mỹ, rất nhiều người gửi con đến các bãi đậu xe của Starbucks để bắt wifi và hoàn thành bài tập về nhà.
Đế chế thương mại điện tử được mở rộng với tốc độ chóng mặt của Amazon là điều đáng lo ngại. Nhưng có một lực lượng khác đang khiến các nhà bán lẻ nhỏ kiệt quệ: các cửa hàng một giá - phân khúc thị trường mà hiện ở Mỹ chỉ có 2 công ty đang thống trị với số lượng cửa hàng gấp sáu lần so với Walmart. Mùa hè năm ngoái ở Marlinton, West Virginia, tôi đã thấy một Dollar General ngay bên cạnh Family Dollar. Bất chấp đại dịch bùng phát, Dollar General vẫn có kế hoạch mở 1.000 cửa hàng mới vào năm 2020.
Các nhà phát triển phần mềm muốn bán ứng dụng cho người dùng iPhone phải thực hiện điều đó thông qua App Store, trong đó buộc họ phải tuân theo quy tắc và và nộp phí lên đến 30% doanh số. Điều này cũng không khác mấy so với tình trạng của những người nông dân đơn lẻ - họ phải chăn nuôi cho đến khi đạt các thông số kỹ thuật chính xác của những công ty lớn đóng gói thịt, và có thể mất sinh kế bởi những công ty này. Và giống như Amazon đôi khi cắt giảm những người bán bên thứ ba nhỏ hơn sử dụng nền tảng của mình, những công ty lớn về nông nghiệp cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp nhỏ hơn; bốn công ty sản xuất thịt lợn hàng đầu - đã và đang kiểm soát khoảng hai phần ba thị trường, thường sở hữu cả trang trại, lò giết mổ, nhà kho và xe tải phân phối - từng khâu trong chuỗi giá trị "từ trang trại đến bàn ăn".
Cho dù bạn đang mua máy tạo nhịp tim, băng vệ sinh hoặc mua buôn văn phòng phẩm, bạn sẽ tìm thấy rất ít người bán. Bạn nghĩ rằng bạn có nhiều lựa chọn trong các cửa hàng tạp hóa hoặc tại các quầy đồ trong siêu thị, nhưng thực tế phần lớn các sản phẩm tiêu dùng này đến từ một số ít các công ty. Không có cạnh tranh gay gắt diễn ra khi thậm chí nhiều thương hiệu sẵn sàng đổi tên thành phiên bản của các sản phẩm dẫn đầu thị trường; tại Costco, tất cả các loại pin sẽ đến từ Duracell và cà phê đều mang hiệu Starbucks.
Bốn mươi năm trước, chính phủ Mỹ về cơ bản đã ngừng kiểm soát tình trạng độc quyền. Nhà lý luận pháp lý bảo thủ Robert Bork và các đồng minh của ông trong phong trào luật pháp và kinh tế lập luận rằng bất kỳ vụ sáp nhập nào làm cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn phải được phê duyệt, và quy mô lớn hơn thường làm tăng hiệu quả. Phân tích của Bork đã đạt được quyền lực to lớn trong các tòa án và chính quyền dưới thời Reagan. Các luật sư và nhân viên ngân hàng xử lý các thương vụ mua bán sáp nhập yêu thích quan điểm này.
Tất cả người Mỹ phải chịu đựng làn sóng hợp nhất doanh nghiệp theo sau. Công nhân sẽ có ít lựa chọn về nơi trả tiền cho sức lao động của họ, dẫn đến không thể đảm bảo mức lương xứng đáng. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đã giảm mạnh kể từ cuối những năm 1970. Sản phẩm và dịch vụ phát triển theo hướng tồi tệ hơn, và các công ty ít cạnh tranh không có động lực để cải thiện chúng. Chuỗi cung ứng tập trung trở nên nhạy cảm hơn, như trong cuộc khủng hoảng do virus đã chứng kiến điều này. Chính trị trở nên mất cân bằng khi các nhà độc quyền "bẻ cong" các nhà lập pháp và các nhà quản lý theo ý muốn của họ. Trong một loạt các ngành công nghiệp, đại dịch đè nặng thêm áp lực cho các công ty nhỏ lẻ, trong khi nâng cao những lợi thế mà các đối thủ lớn hơn có đủ tiềm lực bứt phá hậu thảm họa.
Những thách thức từ phía "Big Tech" ít nhất còn nhận được sự quan tâm rộng rãi trên phương tiện truyền thông. Nhưng những chủ đề về thiệt hại mà những người khổng lồ trong ngành công nghệ gây ra còn rất ít. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Cory Booker đang điều tra vụ bê bối mới của những công ty đóng gói thịt lợn lớn, lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 để tuyên bố thiếu hụt hàng trong nước, trong khi vận chuyển một khối lượng thịt khổng lồ sang Trung Quốc.
Cấm sáp nhập và giải thể các công ty mà đang gây tác động tiêu cực như vậy sẽ cho phép nước Mỹ được quản lý một cách dân chủ, thay vì bị chi phối bởi một số công ty. Quốc hội nMỹ ên xem xét kỹ lưỡng tình trạng độc quyền trong tìm kiếm trên internet, phương tiện truyền thông xã hội, thương mại điện tử và phần cứng viễn thông. Nhưng để lật đổ độc quyền, các nhà lập pháp cần phải tạo ra một mạng lưới rộng hơn.
Tham khảo The Atlantic