Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã đồng loạt giảm hoặc hủy chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, bao gồm Air Canada, American Airlines, British Airlines, Cathay Pacific… Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra thông báo dừng khai thác tất cả các chuyến bay đi và đến giữa Việt Nam và các vùng có dịch tại Trung Quốc. Mặt khác, để ngăn chặn sự lây lan của virus, chính phủ Trung Quốc cũng đặt ra những chính sách hạn chế xuất ngoại đối với người dân Trung Quốc.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương với kinh nghiệm tư vấn tại thị trường Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam và Khu vực, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ.
Cũng theo Mauro Gasparotti, dịch virus Corona đang gây ra ba tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam. Tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong khi đây là thị trường nguồn khách lớn nhất đến nước ta, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019.
Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tống số khách quốc tế đến khu vực, chiếm hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019 theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa. Nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách MICE và khách doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Sau vụ "vỡ trận" cam kết lợi nhuận Cocobay Đà Nẵng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục được dự báo có những tác động xấu từ dịch dịch virus Corona.
Tác động thứ hai là sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại Châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác. Khu vực Đông Nam Á, sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về thu hút khách quốc tế (138 triệu khách quốc tế trong năm 2019 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức ấn tượng 7.8% trong vòng 9 năm trở lại đây) thì dự kiến trong thời gian tới khu vực sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm khách quốc tế tương đối lớn.
Một số điểm đến du lịch như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ Châu Âu, Úc, Mỹ… do khách đến từ các quốc gia này có khả năng cao sẽ hủy hoặc hoãn thời gian du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo báo cáo của STR, trong giai đoạn dịch SARS diễn ra (2002 – 2003), chỉ số doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) trung bình của các khách sạn trong khu vực Châu Á giảm đến hơn 4.5%. Theo báo cáo gần đây của Bộ Du Lịch Thái Lan, dịch bệnh do virus corona có thể khiến doanh thu ngành du lịch Thái Lan bị thiệt hại hơn 1.5 tỷ USD trong năm nay.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 1/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,99 triệu lượt, là số lượng kỷ lục trong 1 tháng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 16,6% so với tháng tháng liền kề trước đó. So với cùng kỳ năm 2019, hầu hết các thị trường khách du lịch đều tăng, trong đó: Campuchia tăng 329,9%; Trung Quốc tăng 72,6%; Lào tăng 42,5%; Thái Lan tăng 40,1%; Indonesia tăng 26,1%, Hàn Quốc tăng 20,4%; Mỹ tăng 19,7%; Na Uy tăng 19,4%; Đài Loan tăng 19,3% và Nga tăng 16,1%. |
Tác động thứ ba phải kể đến nguồn cầu du lịch trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hang hay khu vực vui chơi giải trí. Nguồn cầu trong nước có thể được cải thiện hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Đại dịch virus Corona tác động đến bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, trước mắt, việc sụt giảm lượng du khách, một cách trực tiếp, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các nhà hàng và cơ sở lưu trú, đặc biệt là ở các “thủ phủ du lịch” như Đà Nẵng, Nha Trang…
“Lợi thế của ngành bất động sản nghỉ dưỡng là tiềm năng du lịch của Việt Nam và tốc độ gia tăng khách du lịch đều đặn qua các năm. Nhưng giờ dịch bệnh thế này, thị trường sẽ gặp khó”, ông Đính nói.
Tuy nhiên, ông Đính cũng tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng, mức độ ảnh hưởng của việc ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc đối với ngành du lịch là không quá lớn, bởi “chất lượng khai thác khách Trung Quốc không cao, phần lớn họ đi tua (tour) giá rẻ, thậm chí tua 0 đồng”.