Việt Nam đang dần nới lỏng giãn cách, bước vào giai đoạn bình thường mới sau đợt bùng phát lần thứ 4 đặc biệt nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Một trong những bài toán lớn nhất hiện nay là bài toán lao động, đặc biệt tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam đang bị thiếu hụt lớn trước việc người dân lần lượt rời bỏ về quê.
Thống kê bởi Tổng Cục thống kê trong quý 3/2021, thị trường lao động Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Khi, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động trong quý vượt mốc 1,8 triệu, con số cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số liệu từ Bộ Lao động Thương Binh Xã hội cũng cho thấy, hiện có hơn 17,8% doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu lao động.
Dù vậy, người trong cuộc nhìn nhận tình trạng trên có thể chỉ mang tính ngắn hạn. Dài hạn, khi kiểm soát tốt hơn dịch bệnh và dần hoạt động bình thường trở lại, người lao động sẽ sớm quay lại các thủ phủ khu công nghiệp, khu kinh tế để mưu sinh.
Đặc biệt, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các khu công nghiệp trong làn sóng dịch chuyển dòng vốn ngoại, bức tranh lao động kỳ vọng sẽ nhanh chóng hồi phục cũng như có sự dịch chuyển mới mẻ.
Trao đổi tại hội thảo mới đây, đại diện trang Chợ tốt cho biết: "Về phía người lao động, tâm lý NLĐ lạc quan hơn nhiều trong giai đoạn hậu giãn cách. Theo khảo sát người tìm việc trên Việc Làm Tốt, hiện tại 86% người được hỏi mong muốn quay lại làm việc liền. Người lao động phổ thông cũng cởi mở về nơi làm việc, đa số (68%) chỉ mong có việc, công ty mới hay cũ không quan trọng".
Dự kiến, lao động phổ thông cũng sẽ tăng và chiếm 80% cơ cấu lao động đến năm 2025. Trong đó, tương ứng với định hướng Chỉnh phủ phát triển khối Công nghiệp lên 40% GDP vào năm 2030, số lượng cụm công nghiệp sau 5 năm cũng tăng đến 76% lên 1.704 đơn vị, tập trung chính ở miền Nam với 50% thị phần, miền Bắc và miền Trung lần lượt đtaj 29% và 21%.
Thực tế, cơ cấu lao động đã có sự dịch chuyển rõ nét từ năm 2020. So với năm 2015, số lượng lao động mảng công nghiệp, sản xuất thương mại, dịch vụ tăng từ 77% tỷ trọng lên 79%. Con số 5 năm tiếp theo dự tăng lên 80%.
Dù tăng trưởng, song vẫn còn nhiều thách thức, đơn cử là chất lượng nguồn lao động chưa được cao. Thống kê cho thấy, hiện chỉ 24% lao động đã qua đào tạo, có chuyên môn cứng, trong đó con số của lao động phổ thông chỉ khoảng 13%.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay thì phía doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ chân lao động, khi tình hình kinh doanh đang gặp thách thức. Chưa kể, việc tiếp cận, tuyển dụng mới cũng không dễ dàng khi đại dịch còn diễn biến phức tạp.
Nhằm giải quyết bài toán trên, số hoá lao động trở thành công cụ tối ưu. Nhiều đơn vị bắt đầu tìm kiếm nhân sự mới trên các trang điện tử, bên thứ ba. Đơn cử, Virtual Internships – nền tảng thực tập từ xa – vừa huy động được 2,5 triệu USD trong vòng gọi vốn theo chương trình tăng tốc Surge do Sequoia Capital India dẫn đầu. Số vốn thu được sẽ dùng để mở rộng hoạt động của Công ty. Tính đến nay, Virtual Internships đã ghi nhận số lượng sinh viên đăng ký tăng từ 100 vào năm 2019 lên hơn 6.000 trong năm 2020.
Hay Chợ Tốt cũng ra mắt riêng mục Việc làm, theo giới thiệu không chỉ giúp giải quyết nhu cầu khát lao động ở thời điểm hiện tại mà còn hướng đến việc giải quyết bài toán cung cầu lao động phổ thông trong dài hạn.
Được biết, Chợ Tốt là nền tảng mua bán bình dân ra mắt thị trường Việt Nam vào năm 2013. Công ty kết nối dịch vụ với đa dạng lĩnh vực từ bất động sản, xe máy, ô tô, hàng hóa đã qua sử dụng, và việc làm. Riêng mục việc làm ghi nhận sự phát triển ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng hơn 40% qua mỗi năm. Năm 2021, chuyên mục này cũng cán mốc cung cấp 12 triệu việc làm cho thị trường lao động.
Với xu hướng phát triển kinh tế tập trung vào công nghiệp và dịch vụ cùng sự dịch chuyển cơ cấu lao động, đại diện Chợ tốt dự đoán lực lượng lao động phổ thông tại Việt Nam sẽ đạt đến 43 triệu người vào năm 2025.
"Doanh nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn nhiều hơn vì chi phí tăng cao khi phải dành cho việc tuyển dụng mới và gia tăng quỹ lương hoặc các phúc lợi để thu hút người lao động hậu giãn cách. Kỳ vọng về môi trường làm việc an toàn và được tiêm vaccine từ người lao động cũng thay đổi đáng kể trong thời kỳ hậu giãn cách, phản ánh được nỗ lực của Chính phủ trong việc phủ vaccine cho ngừoi dân ở các tỉnh thành lớn tập trung nhiều cụm công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi cả nước chỉ đang là 31,4%. Mục tiêu 70% dân số có thể sẽ kéo dài tới quý 2/2022 mới hoàn thành. Từ giờ tới lúc đó, bên cạnh hoạt động tuyển dụng, doanh nghiệp cần chuẩn bị nhiều kịch bản cho các làn sóng Covid-19 mới và chủ động trong các chiến lược đảm bảo môi trường làm việc an toàn hay cung cấp vắc xin và phúc lợi liên quan để giữ chân người lao động cũng như đảm bảo được nguồn lực ổn định cho sản xuất không gián đoạn", đại diện nói thêm.