Ở góc độ của công ty quảng cáo, đại diện công ty quảng cáo Đất Việt (chiếm khoảng 30% thị phần quảng cáo Việt Nam) - Tổng giám đốc Đào Vân Kính cho biết: "Đất Việt hợp tác với Youtube với cả hai mảng là sáng tạo nội dung và đại lý quảng cáo. Các đại lý quảng cáo sẽ chịu áp lực rất lớn từ việc khách hàng đòi hỏi quảng cáo của họ phải được an toàn, không được hiển thị trên nội dung xấu độc.
Các đại lý sẽ phải nỗ lực rất lớn, thậm chí có những khách hàng yêu cầu nếu quảng cáo của họ bị đưa vào các nội dung xấu, độc, họ sẽ trừ tiền quảng cáo. Vì thế trách nhiệm của các đại lý trong vấn đề sàng lọc nội dung là tương đối kỹ.
Một quảng cáo vào được nội dung sạch thì bao giờ cũng có giá cao hơn rất nhiều. Để giảm thiểu nội dung xấu, độc, đầu tiên phải xác định mục đích của những người tạo ra nội dung xấu. Một là kiếm tiền, hai là phục vụ mục đích riêng khác.
Riêng mục đích kiếm tiền, nếu ta chặn được nguồn tiền đó thì chắc chắn nội dung xấu độc sẽ giảm đi. Chúng ta cũng có khá nhiều giải pháp như giao việc quảng cáo cho các công ty quảng cáo chịu trách nhiệm và làm việc với Youtube, nếu nội dung xấu độc thì không chỉ gỡ nội dung mà phải hạ cả kênh".
Đại diện công ty Cổ phần quảng cáo thông minh CleverAds chia sẻ: "Chúng tôi cũng rất đau đầu về nội dung xấu độc. Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh quảng cáo, không ai muốn quảng cáo của mình xuất hiện trên những nội dung xấu độc mà chỉ muốn quảng cáo của mình đến được với khách hàng tiềm năng.
Trước 2017, chưa cần Cục hay Bộ yêu cầu chúng tôi cũng đã có hành động giải quyết cho mình như công cụ lọc tự động, tuy nhiên chạy tự động cũng vẫn gặp phải những trường hợp không mong muốn. Nếu hướng vào nội dung sạch như Google cung cấp thì giá lại gấp lên nhiều lần, nên cũng còn nhiều vấn đề. Chúng tôi đã làm việc với một số bạn ở Silicon Valley từng làm việc cho Google để tìm ra giải pháp xây dựng công cụ để lọc nội dung xấu độc".
Ông Nguyễn Thế Tân, CEO VCCorp nói: "Các doanh nghiệp nên xem xét tập trung vào chất lượng view thay vì số lượng view. Đa phần quảng cáo Việt Nam hiện nay vẫn đang tập trung vào số lượng view nhiều.
Trong thời gian gần đây các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu mua dịch vụ brand safety (an toàn thương hiệu), trả phí để không bị lọt quảng cáo vào nội dung xấu độc. Nhưng trên diện rộng thì thuyết phục doanh nghiệp mua dịch vụ này vẫn còn rất khó, vì họ có thói quen mua trên nền tảng cũ như Youtube, Facebook".
Ông Tân cho biết thêm, các công ty lớn đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Google bằng cách mua quảng cáo trên các nền tảng Việt Nam, họ cần đàm phán đa phương và ý thức điều đó, nhưng các công ty nhỏ thì chưa ý thức được như vậy.
Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG cho rằng: "Hành lang pháp lý Việt Nam đã có đầy đủ, chúng tôi mong muốn có được sự cạnh tranh công bằng để đưa ra các phương tiện quảng cáo tốt hơn cho doanh nghiệp Việt Nam".
Đại diện MCN Metub Network chia sẻ: "Đôi khi một MV của Sơn Tùng mất hàng triệu USD để sản xuất, giá quảng cáo cũng chỉ bằng một người ghép ảnh làm ở nhà vì view ngang ngửa. MCN mong muốn các nhà làm quảng cáo hiểu hơn được giá trị nội dung tốt vì nội dung này đáng giá được hiển thị quảng cáo tốt hơn vì người xem là người có tri thức hơn". Đại diện này cũng mong muốn nếu có quy định xử phạt người làm ra nội dung xấu độc thì cũng nên có sự khuyến khích với những nhà sáng tạo nội dung tốt.