Đánh giá chung về kinh tế Việt nam thời gian qua, ông Ivan Phạm tóm gọn trong cụm từ "rât tốt". "Châu Á nói chung và Đông Nam Á đang được xem guồng máy mới cho thế giới, đặc biệt là Việt Nam với sự mở cửa thông thoáng, chính trị ổn định".
Với lượng vốn FDI liên tục tăng nhanh, đổ vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề, ông nhấn mạnh "ai cũng nhìn vào Việt Nam như là một cơ hội".
"Kinh doanh tại Việt Nam đã dễ dàng hơn rất nhiều", ông nói và cho biết thời mới về nước những năm 2000, các thủ tục, hành chính khi làm ăn rất phức tạp. Nhưng đến nay, đất nước đã có các doanh nghiệp trở nên khổng lồ, "Điều này rõ ràng cho thấy chính sách, điều kiện kinh tế đã thay đổi".
Tất nhiên, với sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, đất nước hình chữ S cũng bị tác động nhất định. "Dù vậy, sự ảnh hưởng, theo tôi không nhiều lắm so với các nước khác. Việt Nam vẫn tăng trưởng, nhưng chậm lại, đơn giản là vậy", ông cho biết.
Mặt khác, Việt Nam cũng được xem là quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, theo ông Ivan. "Một số công ty lớn, trước biến cố này đã nhìn về Việt Nam và quyết định di dời nhà máy. Đó là sự thật", ông nói.
Tuy nhiên, đại diện Deloitte cũng lưu ý rằng những bước tiếp theo phụ thuộc vào các chính sách của Chính phủ. Nghĩa là đứng trước các cơ hội đấy, Việt Nam muốn trở thành gì? Một nước sản xuất, gia công hay tập trung vào các ngành nghề công nghệ cao.
"Tôi tin rằng trong 30 năm tới Việt Nam sẽ là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới" ông Yamaguchi Masakazu, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Quỹ đầu tư Creed Group cho biết.
Vị này cũng cho rằng Việt Nam là quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Điểm mạnh của đất nước hình chữ S, theo vị này, là có nguồn dân số dồi dào đang trong độ tuổi lao động. "Họ rất chăm chỉ", ông nói và cho biết đấy là ấn tượng mạnh mẽ trong số những nước ông từng có cơ hội làm việc. Tuy nhiên, dù lạc quan với triển vọng kinh tế, khác với ông Ivan, ông Yamaguchi Masakazu cho rằng Việt Nam cần quan sát kỹ hơn những biến động của thế giới có thể tác động đến thị trường.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng ADB cho rằng với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
Việt Nam vẫn là quốc gia duy trì được mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, hơn cả Trung Quốc (2019: 6,3%; 2020: 6,1%), Indonesia (2019: 5,2%, 2020: 5,3%) hay Philippines (2019: 6,4%; 2020: 6,4%).
ADB cũng cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế gần 100 triệu dân được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên những nền tảng vững như công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa cao.
Tổ chức quốc tế này cũng khuyến cáo Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại.