Dịch Covid-19 đã, đang và còn tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới nói chung, cũng như Việt Nam nói riêng. Trong cơn khủng hoảng dự kiến còn kéo dài, điểm sáng từ nền kinh tế thương mại điện tử đang là vấn đề được quan tâm hiện nay. Dù ảnh hưởng tiêu cực lên kinh doanh, dịch Covid-19 chiều ngược lại đang là chất xúc tác làm nhanh hơn cuộc chạy đua số hoá của toàn cầu, giới quan sát cho hay.
Chưa kể, động thái giãn cách xã hội dự còn lâu dài đang tạo nên xu hướng giao tiếp online, giao dịch trực tuyến… không ngoại trừ Việt Nam. Quý đầu năm, xu hướng mới này đã mang lại cơ hội kinh doanh mới cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị đã sớm chuẩn bị cho xu hướng chuyển đổi số.
Chia sẻ với chúng tôi về chiến lược kinh doanh mùa dịch, đại diện Digiworld cho biết: "Trong giai đoạn hiện tại và suốt năm 2020, các doanh nghiệp sẽ chạy đua số hóa để chuyển hoạt động sang kênh online giữa dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, điều này sẽ kích thích tiêu thụ thiết bị công nghệ. Cùng với đó, xu hướng dài hạn trong quá trình số hóa sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra một nhu cầu lâu dài về thiết bị; từ đó nâng cấp, mở rộng quy mô và doanh số thị trường ICT".
Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã sớm lên chiến lược đẩy mạnh số hóa và coi đó là mục tiêu quốc gia. Năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về đề án "Chuyển đổi số Quốc gia" – kỳ vọng đến năm 2025 là chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia theo WEF thuộc TOP 40 (năm 2020 đạt TOP 50); 50% doanh nghiệp SME chuyển dịch sang nền tảng số (đến 2020 đạt 10%); công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP (đến 2020 đạt 15%); phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
"Và hôm nay, đại dịch Covid-19 tác động làm tốc độ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Mặt khác ngành giáo dục cũng sẽ sớm hình thành hạ tầng online như một kênh giảng dạy song song, từ đó thúc đẩy nhu cầu nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị và giải pháp mạng. Qua đó, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thiết bị công nghệ tăng theo. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp trong ngành như PSD, DGW....", với dự đoán dịch bệnh còn phức tạp và tính cần thiết của hoạt động online, Công ty cho biết sẽ thúc đẩy hơn nữa các sản phẩm ICT phân phối, nắm bắt cơ hội mới cũng như đi đúng xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ.
Được biết, ngoài 2 ngành hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu danh thu gồm máy tính xách tay & Máy tính bảng cùng điện thoại, danh mục sản phẩm trong nhóm thiết bị văn phòng của Digiworld hiện khá đa dạng từ máy chủ, máy trạm, giải pháp năng lượng, thiết bị kết nối thông minh IoTs, giải pháp mạng đến điện toán đám mây… hướng đến đáp ứng nhu cầu số hóa của doanh nghiệp.
Kết thúc quý 1/2020, Digiworld ghi nhận doanh thu thuần 2.311 tỷ đồng, tăng 68%; tương ứng lợi nhuận sau thuế là 44,8 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nhóm sản phẩm máy tính quý 1 tăng 69% nhờ việc gia tăng chi tiêu đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc tại nhà giai đoạn giãn cách. "Trên thị trường, cứ 3 laptop được bán ra thì trong đó có một laptop thuộc về DGW phân phối được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng đến cuối năm", đại diện nói thêm.
Mảng thiết bị văn phòng tăng 31% doanh thu: Đây là ngành hàng được kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn với xu hướng chuyển đổi số tại Digiworld. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nhu cầu làm việc tại nhà của người dân đã thúc đẩy ngành hàng này tăng trưởng ổn định.
Năm 2020, DGW tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ở mức cao, lần lượt là 10.200 tỷ đồng, tăng 20% và 202 tỷ đồng, tăng trưởng 25,5% so với thực hiện 2019 bất chấp dịch Covid-19.
Trên thị trường, cổ phiếu DGW tăng khá mạnh, chốt phiên 29/4 tại mức trần 24.800 đồng/cp, thanh khoản đột biến.