"Thị trường bất động sản (BĐS) không phải lúc này mới khó khăn và cũng không phải lúc này mới có cơ hội. Hiện nay tất cả dự án đưa ra thị trường, trừ phân khúc cao cấp và quy mô lớn (4-5 phòng ngủ) thì mới khó tiêu thụ. Thị trường bất động sản Việt Nam và riêng phía nam vẫn vậy, bản chất không xấu nhưng lại khó khăn. Tại sao?", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đặt vấn đề tại sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư - Nam Long Day mới đây.
Theo vị này, điểm nghẽn trước tiên là thể chế pháp luật, Việt Nam bị những xung đột pháp luật khiến thị trường BĐS không phát triển bình thường. Theo đó, thị trường cần một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng. Nhìn lại, những khó khăn bắt nguồn từ năm 2015 khi chính thức thi hành Luật nhà ở. Thị trường BĐS có độ trễ, một chính sách phải qua nhiều năm mới đi vào thực thi. Thống kê, năm 2017 là năm đỉnh điểm của thị trường BĐS, quy mô lớn nhất và lợi nhuận cũng cao nhất. Năm 2018, thị trường sụt giảm 10-15%. Nhưng, con số từ năm 2019 giảm đến 70%, nguyên nhân chính do độ trễ của chính sách gây ra những vướng mắc cho dự án, ông Châu nói thêm.
Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng lên toàn thị trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Trong đó, ông Phạm Đình Huy - Giám đốc đầu tư Nam Long (NLG) cho hay, các dự án NLG vẫn đang được thực hiện đúng tiến độ mà HĐQT đã đề ra trong ĐHĐCĐ trước đó. Hiện, NLG đang chuẩn bị phát triển giai đoạn 2 một số dự án như Akari, Mizuki Park, Southgate và chuẩn bị sản phẩm đưa ra thị trường. Riêng dự án Akari, tính đến nay 1.500 sản phẩm đưa ra thị trường trước đó đã được tiêu thụ hết 100%.
Từng chia sẻ dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc mở bán sản phẩm mới, kế hoạch bán hàng của NLG theo đó dự kiến bị dời 1-3 quý tùy theo vị trí dự án. Nhưng, "ngay trong cuối tháng 5, đầu tháng 6 NLG đã mở bán dự án Southgate Long An và chỉ trong vòng 2 tiếng chúng tôi đã bán được cho 75 khách. Nên Công ty tin rằng thị trường BĐS đang hồi phục nhanh hơn mong đợi", Giám đốc điều hành NLG - ông Nguyễn Thanh Sơn nói thêm. Công ty theo đó đặt kế hoạch sẽ bán 2.500 sản phẩm ra thị trường trong năm 2020.
"Hiện chúng tôi đã lên kế hoạch 3 năm và thực tế chúng tôi đã chuẩn bị sẵn kế hoạch 10 năm. Qua đó, thị trường có thể lên và xuống, nhưng sản phẩm chủ đạo của NLG là affordable housing - sản phẩm nhà ở "vừa túi tiền" thì tỷ lệ hấp thụ của thị trường lên đến gần 70% sản lượng; với nhu cầu đó, hiện Công ty vẫn chưa đáp ứng hết 60%. Do đó, chắc chắn là chúng tôi sẽ bán được toàn bộ diện tích quỹ đất hiện có, và một khoảng tương đương như vậy trong 10 năm nữa", vị này nhấn mạnh.
Cũng theo NLG, thời điểm hiện nay là cơ hội để phát triển quỹ đất. Hiện, Công ty đang sở hữu quỹ đất sạch với tổng diện tích 681ha, đây sẽ là động lực cho NLG trong bối cảnh khó khăn bởi Covid-19. Công ty cũng đang xem xét quỹ đất nào đẹp và phù hợp sẽ tiến hành đầu tư, bao gồm ở TP.HCM (9ha) và Hà Nội (25ha), tổng số tiền chuẩn bị cho việc phát triển quỹ đất mỗi năm lên tới 2.000 tỷ đồng.
Mở rộng đầu tư, mới đây NLG vừa kế hoạch huy động trái phiếu trong năm 2020, giá trị tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi. Thời gian phát hành dự kiến vào quý 2/2020, mục đích nhằm tăng quy mô hoạt động của Công ty hoặc/và thực hiện các chương trình, dự án của NLG.
Năm 2020, NLG đặt kế hoạch doanh thu giảm 40%, từ 2.546 tỷ xuống 1.520 tỷ đồng. Tương ứng, NLG dự kiến thu về 822 tỷ LNST, giảm hơn 18% so với con số năm 2019. Trong đó, dịch bệnh khiến kế hoạch bán hàng của NLG bị dời 1-3 quý, tùy theo vị trí dự án. Trong năm 2020, NLG dự mở bán dự án Mizuki và Southgate. Riêng 3 dự án VSIP Hải Phòng, Đồng Nai Waterpoint và Cần Thơ sẽ mở bán vào quý 4, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên kế hoạch được dời sang quý 1/2021.
Với chỉ tiêu kinh doanh trên, NLG dự kiến chi cổ tức 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và cổ tức bằng cổ phiếu 5%. Trong đó, đợt 1 tạm ứng bằng tiền 5% dự kiến trong tháng 12/2020. Đợt 2: chỉ cổ tức bằng tiền 5% và cổ tức bằng cổ phiếu 5% dự kiến sau ĐHĐCĐ 2021 (tầm quý 2/2021).