Ngày 15/11, Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất chính thức khai mạc tại Khách sạn J.W Marriott - Hà Nội. Tại diễn đàn ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã có bài tham luận về Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Ông Hùng cho biết, từ đầu năm 2017 tới nay, NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng như Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/01/2017, Công văn số 848/NHNN-TD ngày 15/2/2017...
Theo đó, yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực BĐS (đặc biệt là phân khúc BĐS trung- cao cấp), ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội có hiệu quả và phân khúc sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Cũng theo ông Hùng, tính đến 31/7/2017 dư nợ cấp tín dụng đầu tư kinh doanh BĐS tăng khoảng 4 % so với 31/12/2016, chiếm tỷ trọng khoảng 9% dư nợ đối với nền kinh tế (tỷ trọng này khá ổn định từ năm 2013 đến nay). Dòng vốn tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đã hướng vào lĩnh vực tiêu dùng về nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân với mức tăng trưởng khoảng 11% so với 31/12/2016.
"NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu trong lĩnh vực BĐS. Tỷ lệ nợ xấu đầu tư kinh doanh BĐS đã giảm mạnh từ 7,05% năm 2013, đến nay còn 4,06%", ông Hùng nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Hùng đã chỉ ra một số 7 khó khăn, vướng mắc trong việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS:
Thứ nhất, thị trường BĐS đang được vận hành dưới sự điều tiết của một hệ thống luật pháp liên quan nhiều lĩnh vực từ đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư kinh doanh, chính sách thuế …. Tuy nhiên, các quy định và chế tài của hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập (ví dụ Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS chưa có điều khoản chế tài xử lý vi phạm; quy định của Luật kinh doanh BĐS về điều kiện chuyển nhượng dự án BĐS chưa phù hợp với việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS...).
Thứ hai, hệ thống thông tin thị trường BĐS còn thiếu công khai, minh bạch, chưa có các thông tin dự báo xu hướng diễn biến của thị trường tác động xấu đến sự phát triển của thị trường BĐS.
Thứ ba, thị trường BĐS là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng mất cân đối cung cầu tại nhiều phân khúc thị trường BĐS, đặc biệt phân khúc nhà ở cao cấp, biệt thự có dấu hiệu dư thừa nguồn cung, trong khi nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ vẫn còn rất hạn chế.
Thứ tư, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 11/2016 NHNN đã có công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị có văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí phân loại nhà ở theo phân khúc cao cấp, trung cấp, bình dân giá rẻ. Tuy nhiên đến nay Bộ Xây dựng chưa có ý kiến và chưa có văn bản hướng dẫn về vấn đề này dẫn đến khó khăn cho ngành Ngân hàng trong việc xem xét, cấp tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ năm, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS còn hạn chế, vốn chủ sở hữu thấp, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thiếu dự án có tính khả thi. Bên cạnh đó một số chủ đầu tư dự án BĐS đã có hành vi lừa đảo, nhiều vụ án, tranh chấp, khiếu kiện đã xảy ra dẫn đến suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và người dân khi tham gia thị trường BĐS.
Thứ sáu, nguồn vốn cho thị trường BĐS còn hạn chế do nguồn từ ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn do cần tập trung cho nhiều mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trọng yếu khác; Nguồn vốn tín dụng ngân hàng hạn chế do cho vay lĩnh vực BĐS phần lớn là cho vay trung, dài hạn trong khi đó phần lớn nguồn vốn huy động của các ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường. Sự chênh lệch về kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay là vấn đề các ngân hàng phải tính toán và cân đối nguồn cho vay BĐS; nguồn vốn của nhiều chủ đầu tư dự án BĐS hạn chế do năng lực tài chính yếu...
Thứ bảy, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, NHNN đã kịp thời ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn về cho vay... Tuy nhiên việc thực hiện đang vướng mắc do các TCTD được chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (giai đoạn 2016-2020) để cấp bù chênh lệch lãi suất.
Về định hướng chính sách tín dụng của NHNN cho thị trường BĐStrong thời gian tới ông Hùng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; Ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội có hiệu quả và phân khúc sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực BĐS. Thực hiện kiểm soát có chọn lọc, quyết định cho vay trên nguyên tắc đảm bảo an toàn vốn vay, hiệu quả kinh tế và theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ; Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS, Nghị định về phát triển nhà ở xã hội.
Cuối cùng, NHNN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu thông qua việc đẩy mạnh xử lý tài sản bảo đảm là BĐS, chuyển nhượng dự án (M&A), hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án BĐS dở dang.