Ngành chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam khá hấp dẫn, tính đến thời điểm hiện tại, khi thị trường đang tăng trưởng cực kỳ lớn với tầng lớp trung lưu cao. Việt Nam ước tính đang có 57.000 nhà thuốc tư nhân, dư địa tăng trưởng hiện tại còn rất lớn, đại diện Pharmacity chia sẻ mới đây và không giấu tham vọng chiếm lĩnh trong tương lai không xa.
Được thành lập vào năm 2012, Pharmacity chuyên buôn bán thuốc & dụng cụ y tế, nước hoa - mỹ phẩm - chế phẩm vệ sinh, các đồ dùng gia đình khác... Pharmacity định vị là chuỗi thuốc hiện đại với trọng tâm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam. Hãng chuyên cung cấp các loại thuốc Rx và OTC, Vitamin, thực phẩm chức năng và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp...
Tính đến thời điểm hiện tại, Pharmacity đã mở rộng chuỗi lên hơn 271 cửa hàng tại 7 tỉnh thành, riêng tháng 3 xúc tiến được 27 đơn vị mới. Mục tiêu đến cuối năm 2021, Pharmacity sẽ đạt được 1.000 cửa hàng trên toàn quốc, tương đương mở mới 1 cửa hàng/ngày và công cuộc sẽ bắt đầu từ tháng 4/2020 (mục tiêu mở 36 đơn vị trong tháng).
"Thất bại 1 năm trở lại đây của Pharmacity là số lượng hàng hoá cung cấp ra thị trường không đủ, khách hàng phàn nàn nhiều. Một trong những nguyên nhân chính là kho dự trữ quá nhỏ, và luôn quá tải. Do đó, để đáp ứng mục tiêu mở mới 1 cửa hàng/ngày hướng đến đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021, Pharmacity đã tìm hiểu các đối tác về chuỗi cung ứng tại Việt Nam", ông Chris Blank – Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc chuỗi phân trần.
Sau một thời gian tìm kiếm, Pharmacity mới đây đã đi đến thỏa thuận hợp tác cùng Công ty DH Logistic Property Việt Nam (thuộc Tập đoàn Daiwa House, Nhật Bản) về việc mở mới Trung tâm phân phối hàng hóa tại Khu công nghiệp Lộc An (Đồng Nai).
Với diện tích thuê 10.635m2 trong 20 năm cùng với việc đáp ứng các tiêu chuẩn GPP & GDP (các tiêu chuẩn về lưu thông, phân phối thuốc đến tay người tiêu dùng), Trung tâm phân phối mới sẽ đáp ứng được về số lượng và điều kiện bảo quản cho các sản phẩm là thuốc, thực phẩm chức năng và các mặt hàng tiêu dùng nhanh của Công ty.
Bên cạnh đó, trung tâm được vận hành 24/7 với khoảng 300 – 400 nhân sự lành nghề. Pharmacity cũng áp dụng quy trình quản lý và vận hành với hệ thống WMS (Warehouse Management System). Phần mềm quản lý kho này hỗ trợ việc lập kế hoạch hàng ngày, kiểm tra hàng hóa trong kho, nhập hàng, xuất hàng tồn kho cũng như truy xuất vị trí của sản phẩm hay thông tin về sản phẩm chi tiết.
Tổng thiết bị tại trung tâm Pharmacity đầu tư khoảng 3 triệu USD, thông qua đó không chỉ đảm bảo nguồn hàng cho giai đoạn mở rộng thời gian tới, mà còn đảm bảo chất lượng thuốc cho người tiêu dùng, Tổng Giám đốc nói thêm.
Về dòng vốn kinh doanh, năm 2020 Pharmacity huy động 150 tỷ đồng trái phiếu để phục vụ kế hoạch mở rộng. Đầu tháng 2 năm nay, Pharmacity vừa gọi vốn thành công 730 tỷ đồng (tương đương 31,8 triệu USD) - khoản đầu tiên của vòng Series C và cũng là mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay.