Tham gia phiên xét xử với tư cách nguyên đơn dân sự, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là tổ chức được xác định đã mất 800 tỷ đồng do góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (nay là Ngân hàng TNHH 1TV Đại Dương sau khi NHNN mua lại 0 đồng ngày 6/5/2015).
Với các quan điểm trong bản luận tội của của Viện Kiểm sát sáng ngày 22/3, luật sư Nguyễn Văn Thái bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho PVN đã đại diện cho phía PVN còn trình bày các quan điểm của mình trước HĐXX. Trong đó, vị này nhấn mạnh Tập đoàn không liên quan đến giao dịch cá nhân giữa ông Nguyễn Xuân Sơn và ông Ninh Văn Quỳnh. Đồng thời, vị này cũng khẳng định Tập đoàn không nhận tiền từ ông Quỳnh, ông Sơn hay OceanBank. Những phát ngôn từ một số bị cáo và luật sư là không có cơ sở, chứng cứ khách quan, gây ra định kiến dư luận đối với PVN.
>> 20 tỷ đồng bị cáo Quỳnh khắc phục: OceanBank đòi nhận, PVN nói "không liên quan"
Liên quan đến bản luận tội của VKS xác định nguyên nhân PVN mất 800 tỷ tại OceanBank là do hành vi làm trái quy định nhà nước, từ đó yêu cầu các bị cáo chịu trách nhiệm dân sự đền bù thiệt hại 800 tỷ đồng, đại diện PVN nhắc lại văn bản Tập đoan đã gửi đến cơ quan tố tụng trong HĐXX hồi tháng 1/2018 đề nghị điều tra vụ án, xem xét phần liên quan đến PVN và bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp PVN.
Vị luật sư này cũng đề nghị HĐXX lưu tâm, tránh các phán quyết sẽ ảnh hưởng tự chủ sản xuất kinh doanh với DN trong đó có PVN. Theo vị này, PVN là một doanh nghiệp, cần thiết có tính tự chủ của doanh nghiệp. Việc PVN chủ động ký với các đối tác, sau đó xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền là cần thiết với điều kiện vẫn còn hiệu lực thực thi. Quy trình này cũng phù hợp với thực tế hiện tại.
Trước đó, VKS xác định bị cáo Thăng đã làm trước báo cáo sau, thỏa thuận trước sau đó mới báo cáo Thủ tướng và các bộ ngành để hợp thức hóa.
Xét đến việc PVN góp vốn tại OceanBank, cũng như ý kiến của nhiều luật sư, đại diện phía PVN bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét bối cảnh chung. Các yếu tố khủng hoảng kinh tế toàn cầu, phòng chống lạm phát là nguyên nhân PVN dừng lập Hồng Việt nhưng vẫn phải chuyển sang góp vốn OceanBank để giải quyết hệ lụy Hồng Việt.
Năm 2008, không riêng Hồng Việt mà có tới 8/10 ngân hàng đã được chấp thuận về nguyên tắc nhưng không được thành lập.
Việc góp vốn của PVN vào OceanBank diễn ra trong giai đoạn có sự thay đổi hệ thống pháp luật mà cụ thể là quy định tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức tại TCTD giảm về 15%. Tuy nhiên, phía PVN cũng nhấn mạnh rằng dù khi đó Luật TCTD mới đã có hiệu lực nhưng việc thực thi vẫn cần hướng dấn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền.
Đại diện PVN cũng nhắc tới câu chuyện 0 đồng OceanBank của NHNN. Đây cũng là nội dung được các luật sư, bị cáo liên tục nhắc tới trong các phiên xét xử vừa qua.
Ngoài ra PVN cũng đề nghị HĐXX cân nhắc toàn diện, xem xét việc các bị cáo đã cống hiến, dành thời gian công tác cho PVN với nhiều thành tích, nhiều bị cáo sinh ra gia đình truyền thống cách mạng.