Phát biểu tại diễn đàn, ông Phụng cho biết thuế liên quan đến BĐS hiện nay ở cả 4 khâu: Nguyên vật liệu đầu vào, nhà thầu xây dựng, tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Hiện nay, dự luận đang quan tâm đến thuế tài sản, hiện thuế này đánh vào việc sở hữu nhà đất trên 700 triệu và ô tô. Loại thuế này đang nằm trong chương trình nghiên cứu chưa được đưa vào trong dự thảo luật nên ít nhất 2 năm tới Thuế tài sản sẽ chưa áp dụng", ông Phụng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phụng, thuế tài sản nhiều nước đã áp dụng, chúng ta đang học tập những cái hay của các nước. "Tuy nhiên, phải mất một thời gian nữa chúng ta mới có thể đưa mức thuế này vào thực hiện bởi chúng ta còn phải xem xét xem mức thuế có phù hợp hay không và người dân chịu được thuế ở ngưỡng nào", ông Phụng khẳng định.
Liên quan đến Thuế tài sản, mới đây trao đổi với báo chí ông Phụng cũng cho biết một trong những khó khăn lớn trong lần sửa đổi này là Bộ Tài chính phải chịu sức ép rất lớn từ công luận, vì vừa phải đảm bảo mức độ thực hiện, lại phải đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định và phát triển, nên đây là bài toán khó.
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, đối với những người kinh doanh bất động sản thì sẽ không muốn đánh thuế nhà ở, đất đai vì giá cả sẽ chững lại.
Ông Phụng cho rằng, một đất nước văn minh thì sử dụng nhiều loại thuế để bổ trợ cho nhau. "Tôi nghĩ trong tương lai, những điều gì tốt thì chúng ta học tập, cái gì chưa phù hợp thì chúng ta chưa học tập"…
Về mức đánh thuế nhà ở từ 700 triệu đồng trở lên đang hướng đến đối tượng là những người có thu nhập trung bình, thấp trong xã hội liệu có công bằng?, ông Phụng phân tích, mức 700 triệu chỉ là mức khởi điểm để tính. Theo đó, với nhà 100 m2, suất đầu tư là 7,3 triệu thì bình quân là 730 triệu, cho nên 700 triệu chỉ là mức đưa ra để xem xét thôi chứ chưa quyết định ngay.